AMM 53 và các Hội nghị liên quan là dịp để các Bộ trưởng Ngoại giao trao đổi, kiểm điểm, điều phối về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ở cả 3 trụ cột; triển khai các ưu tiên trong năm ASEAN 2020; thảo luận về định hướng hợp tác tương lai của ASEAN; thống nhất quan điểm và tiếng nói chung của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; tăng cường hợp tác bền vững, hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, góp phần chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan dự kiến tổ chức tháng 11/2020.
Thúc đẩy đoàn kết, duy trì đà hợp tác
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN (1967-2020) và 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (1995-2020), Thủ tướng Chính phủ Xuân Phúc khẳng định: “Qua 53 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã thực sự trở thành tổ chức đại diện cho các quốc gia khu vực, gắn kết trong tình láng giềng hữu nghị và hợp tác, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của người dân. ASEAN luôn là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thịnh vượng và tự cường, có vai trò, vị thế quốc tế cao là lợi ích chung”.
Trong năm 2020, Việt Nam đã đưa ra chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Đánh giá về chủ đề này, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho rằng, tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” do Chủ tịch ASEAN 2020 đưa ra đã “trúng” vào thời điểm này. Theo đó, “gắn kết” là đoàn kết, bám sát vào mục tiêu, nguyên tắc và những ưu tiên của ASEAN như về xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. “Chủ động thích ứng” trước tình hình khu vực và thế giới có những biến đổi nhanh và phức tạp, trong đó có cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn. Chính chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã làm phép thử cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đó là việc không ai lường trước được đại dịch COVID-19.
Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của ASEAN trước các thách thức chưa từng có như: Dịch COVID-19, những cạnh tranh mạnh mẽ của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực. Vượt lên những khó khăn, thử thách hiện tại, cùng các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN sau 2025, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của ASEAN đóng góp cho hòa bình, an ninh, phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020, cũng cho thấy sự linh hoạt và chủ động, dẫn dắt hiệu quả ASEAN ứng phó với dịch bệnh. Tại nhiều hội nghị trực tuyến đã được tổ chức thành công như: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch COVID-19, các Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, EU…), các sáng kiến cụ thể, thực chất về ứng phó dịch COVID-19 như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực, xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện ASEAN… được đề xuất, nhận được đánh giá tích cực của dư luận trong nước, khu vực và quốc tế.
Tiếp nối Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, AMM 53 và các Hội nghị liên quan là một trong những bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa các ưu tiên, sáng kiến của Chủ tịch ASEAN 2020 như: Đánh giá giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025, kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN, thảo luận định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, gắn kết phát triển tiểu vùng với xây dựng Cộng đồng ASEAN… Với định hướng đúng đắn từ chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, các hoạt động trên đều được các nước thành viên và đối tác ủng hộ, phối hợp triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Củng cố vai trò trung tâm của ASEAN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết: AMM 53 và các Hội nghị liên quan là một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp bởi cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, căng thẳng gia tăng ở một số điểm nóng. Dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng với những làn sóng lây nhiễm mới gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đã và đang cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất của nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN, đề xuất nhiều sáng kiến, duy trì và thúc đẩy hợp tác cả trong phòng, chống dịch bệnh cũng như xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN. Trên cơ sở đó, các bộ trưởng sẽ tiến hành rà soát tiến độ và bảo đảm chất lượng triển khai các ưu tiên, sáng kiến lớn đã thỏa thuận cho năm 2020 như: Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trình Cấp cao tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào cuối năm nay; đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, việc treo cờ ASEAN tại các công sở tại nước thành viên, nội dung xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025...
Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, đề xuất hợp tác ứng phó với COVID-19 như: Thúc đẩy hiệu quả Quỹ hợp tác ứng phó với COVID-19, Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19… Đồng thời, kiểm điểm và định hướng hợp tác ASEAN với các đối tác; tăng cường phối hợp ứng phó với COVID-19; giảm thiểu tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN dẫn dắt. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng xem xét và cho ý kiến đối với một số đề nghị thiết lập quan hệ đối tác mới của các nước đối với ASEAN; trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ AMM 53 và các Hội nghị liên quan, một số nội dung quan trọng sẽ được các bộ trưởng ngoại giao bàn thảo. Theo đó, vấn đề thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng, trong đó có Mê Công, đặt dưới mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy đồng đều, bền vững trong ASEAN, từ đó ra được các khuyến nghị của các Bộ trưởng ASEAN trình lên Cấp cao ASEAN 37, sẽ được bàn thảo tại Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về Phát triển tiểu vùng.
Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về Phụ nữ, hòa bình và an ninh cũng được tổ chức tiếp nối thành công từ Phiên họp đặc biệt của Cấp cao 36 về Phụ nữ. Đây là nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác đề cao vai trò phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN với các đối tác, thiết thực triển khai Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng thông tin thêm, dự kiến trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có khoảng 40 văn kiện được xem xét, ghi nhận và thông qua; trong đó, đáng chú ý là Thông cáo chung của AMM 53; kế hoạch hành động Hà Nội II của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) nhằm định hướng cho hoạt động và hợp tác ARF giai đoạn 2020-2025; tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Các hội nghị bộ trưởng khác như: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với từng đối tác (PMC + 1), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (ASEAN + 3), EAS, ARF ... sẽ có Tuyên bố Chủ tịch về kết quả chính của từng hội nghị. Cũng trong dịp này, các bộ trưởng sẽ thông qua một số Kế hoạch mới cho giai đoạn 2021-2025 với các đối tác.
Vượt lên những khó khăn, thử thách hiện tại, cùng các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN sau 2025, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của ASEAN đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. AMM 53 và các Hội nghị liên quan là một trong những bước đi quan trọng của ASEAN nhằm khẳng định hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 từ đầu nhiệm kỳ, tạo dựng đồng thuận, củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường gắn kết, tương trợ lẫn nhau; nâng cao năng lực hợp tác, chủ động của ASEAN ứng phó hiệu quả trước các thách thức khu vực và quốc tế trong đó có đại dịch COVID-19 trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.