Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẳng định, Tập đoàn đã, đang và sẽ hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trong số các đối tác nước ngoài có những tên tuổi lớn như Exxon Mobil của Mỹ, Gascom của Nga...
Ông Đỗ Văn Hậu cho biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý, triển khai hợp tác các hoạt động dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bản đồ hoạt động dầu khí Việt Nam. Nguồn: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam |
Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa và vùng biển Việt Nam từ trước năm 1975. Ngay từ năm 1969 - 1970, chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng 12.000 km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát từ, trọng lực hàng không ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam (khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai, Thổ Chu và Tư Chính - Vũng Mây do Công ty Ray Geophysical Mandrel thực hiện).
Tiếp đó, trong hai năm 1973, 1974, chính quyền miền Nam Việt Nam hợp tác với các Công ty Western Geophysical và Geophysical Services Inc. (Hoa Kỳ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74 - HS (3.373 km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gồm các lô dầu khí hiện nay là 141, 142, 143 và 144; dự án WA74 - PKB (5.328 km) khảo sát ven biển Phú Yên - Khánh Hòa.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng cục Dầu khí (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hiện nay) được thành lập năm 1975. Kể từ đó, hoạt động dầu khí được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính - Vũng Mây...
Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vào năm 1996, theo chỉ đạo của Chính phủ ta, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã điều chỉnh phạm vi hoạt động và chỉ tiến hành các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí nước ngoài để thăm dò khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tập đoàn đã ký 99 hợp đồng thăm dò dầu khí, trong đó 60 hợp đồng hiện đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000 km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000 km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan dầu khí”, ông Hậu cho biết.
Ông Hậu cho biết thêm, tất cả các hoạt động dầu khí của Việt Nam và các đối tác của Việt Nam đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Trung Quốc nói Việt Nam có 57 lô dầu khí nằm trong vùng tranh chấp nhưng không hề đưa ra một cơ sở pháp lý nào để biện hộ cho quan điểm này. Trên thực tế, Việt Nam không có bất kỳ một lô nào nằm ngoài khu vực 200 hải lý. Tất cả các hợp đồng dầu khí đều được tiến hành bởi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các nhà thầu dầu khí quốc tế và đều được quốc tế công nhận.
Theo Tập đoàn Dầu khí, các hoạt động dầu khí tại Việt Nam đều nằm trên vùng thềm lục địa của Việt Nam, kéo dài từ Vịnh Bắc Bộ đến cực nam - khu vực giáp ranh giới với Campuchia và Thái Lan. “Riêng khu vực Hoàng Sa, từ thời chính quyền miền Nam Việt Nam đã khảo sát địa chấn và gần đây chúng tôi tiếp tục khảo sát ở khu vực này cùng với các nhà thầu dầu khí nước ngoài. Các hoạt động dầu khí đã được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tiến hành với lô 144, 145, ngay phía dưới lô 143. Chúng tôi vừa khảo sát địa chấn xong. Có một số giếng tại khu vực phía tây lô 143 đã được Exxon Mobil khoan cách đây 2 năm. Với lô 117, 118 ở phía tây, chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Công ty Exxon Mobil của Mỹ triển khai các hoạt động thăm dò và đã phát hiện dầu khí. Chúng tôi đang xây dựng chương trình phát triển và trong một vài năm tới sẽ tiến hành khai thác dầu khí tại đây”, ông Hậu cho biết.
Các hoạt động dầu khí tại khu vực phía đông bắc, tây bắc của đảo Hoàng Sa cũng đang được tiến hành. Tại khu vực biển miền trung nước ta, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã gọi thầu trái phép 9 lô. Tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động dầu khí tại khu vực này. “Đến nay, không có một công ty dầu khí quốc tế nào, cũng như không có công ty dầu khí Trung Quốc nào ký hợp đồng với Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc tiến hành các hoạt đồng thăm dò, khai thác tại khu vực này”, ông Hậu cho biết.
Hiện toàn bộ hoạt động của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ở khu vực phía nam vẫn đang diễn ra bình thường. Tập đoàn đang hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí quốc tế, trong đó có các công ty: Exxon Mobil của Mỹ, Gascom của Nga, một số công ty của Canada và các công ty dầu khí quốc tế khác. Các hoạt động dầu khí của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và các đối tác quốc tế được triển khai bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Huyền Tím