Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam Nguyễn Hồng Trường cho biết: Hiện mỗi năm, trên toàn quốc có gần 9.000 người tử vong do tai nạn giao thông, với tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 2,5 - 3% GDP. Để giải quyết thách thức này, sự hợp tác Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp, các tổ chức trong đảm bảo an toàn giao thông là rất quan trọng.
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các nhà khoa học đến từ Vương quốc Bỉ và Việt Nam trong việc nghiên cứu phát hiện các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, rà soát kinh nghiệm trong nước và quốc tế để đưa ra các giải pháp có thể áp dụng đem lại hiệu quả trong việc nâng cao an toàn giao thông ở Việt Nam.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ ra những thách thức đối với người tham gia giao thông là ý thức lái xe, thói quen và hành vi lái xe. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất thuộc về nhận thức, đặc biệt ở địa phương, khi người đứng đầu địa phương quan tâm, dồn lực cho an toàn giao thông thì việc cơ giới hóa, cải thiện hạ tầng giao thông có thể khắc phục.
“Thói quen người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia còn phổ biến, chính quyền cần tuyên truyền đến người dân về tác hại của tai nạn giao thông khi có nồng độ cồn. Khi người dân có nhận thức đúng sẽ thay đổi hành vi. Bên cạnh đó, chính quyền phải có chế tài xử phạt nặng như phạt lũy tiến để răn đe những người vi phạm trật tự an toàn giao thông”, ông Trần Hữu Minh cho hay.
Tại hội thảo, Giáo sư Geert Wets, Viện nghiên cứu giao thông (Bỉ ) chia sẻ các nghiên cứu khoa học về chính sách an toàn giao thông ở các vùng Bắc của Vương quốc Bỉ với các công việc như: thu thập dữ liệu và các chỉ số an toàn giao thông đường bộ, phân tích các yếu tố rủi ro (rượu, bia, chất kích thích,vượt tốc độ so sánh giữa các quốc gia và các vùng…), các giải pháp và đánh giá tác động, hiệu quả của các giải pháp…
Ông Geert Wets cũng cho biết về các chương trình giáo dục đào tạo tác động lớn để có thể sử dụng làm công cụ hiệu quả trong khuyến khích giới trẻ có hành vi ứng xử an toàn trong khi tham gia giao thông…
Chia sẻ về các chiến lược an toàn giao thông ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, ông Trần Hữu Minh cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống luật pháp về an toan giao thông như Luật Giao thông Đường bộ và Luật Giao thông Đường sắt sửa đổi…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường năng lực thể chế như hình thành hệ dữ liệu quốc gia, từ đó chia sẻ dữ liệu đến các cơ quan liên quan nhằm nâng cao hiệu quả về phối hợp xử lý chế tài tiếp theo.
Cụ thể, cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt sẽ chuyển dữ liệu cho Thanh tra giao thông tiếp tục theo dõi, để có những bước xử lý, nếu tái phạm sẽ xử phạt nặng hơn. Ngoài ra, chính quyền địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ, trang bị camera quan sát, lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Về công tác tuyên truyền, các đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, nhanh chóng đưa chương trình an toàn giao thông vào nhà trường, nhất là học sinh phổ thông.