Cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho đồng chủ trì, với sự tham dự của đại diện các cơ quan hữu quan hai nước.
Đối tác quan trọng hàng đầu
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong bối cảnh hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “mức Đối tác chiến lược toàn diện” tháng 12/2022, cuộc họp đối thoại sẽ góp phần thiết thực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện trong bối cảnh tình hình mới.
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Lòng tin chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.
Hiện nay, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (lũy kế vốn đăng ký đầu tư đạt 81,3 tỷ USD); số 2 về hợp tác phát triển (3,75 tỷ USD), du lịch và lao động; số 3 về hợp tác thương mại (đạt 86,4 tỷ USD năm 2022).
Hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa... Đồng thời là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế.
Việt Nam - Hàn Quốc có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau. Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai nước hiện đang hoạt động thuận lợi, hiệu quả, linh hoạt, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tế trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể.
Sáng kiến lập cơ chế Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc được hai bên đưa ra và quyết định cùng nhau thực hiện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Che In vào tháng 3/2018 nhằm tạo ra cơ chế trao đổi cấp cao tương xứng với quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng giữa hai nước về những vấn đề quan trọng, giúp mở rộng, tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích của cả hai phía trong lĩnh vực kinh tế và khắc phục vướng mắc, hỗ trợ các cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương khác. Đối với Hàn Quốc, sáng kiến này nằm trong tổng thể chính sách Hướng Nam mới, trong đó Việt Nam được đặt là trọng tâm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc, nhiều giải pháp, chính sách đã đem lại kết quả tốt đẹp, song vẫn còn một số vấn đề cần thay đổi để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như giao lưu giữa nhân dân hai nước. Theo Phó Thủ tướng, các kết quả, thỏa thuận tại đối thoại có ý nghĩa rất to lớn trong việc định hướng quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn tới, làm cơ sở để hai bên cùng phối hợp, triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác kinh tế, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc.
Tại cuộc họp, chia sẻ về 3 phương án hợp tác, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho cho rằng, thương mại và đầu tư là động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng thương mại nhằm mở rộng giao dịch song phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu và xây dựng hệ thống thuế quan. Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy nhanh chóng các cuộc trao đổi kiểm dịch nông sản, chăn nuôi và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế.
Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho khẳng định môi trường đầu tư thuận lợi của Việt Nam đã dẫn dắt các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư và năng lực công nghệ của doanh nghiệp Hàn Quốc đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Điều này đã tạo vòng tuần hoàn tích cực. Chính phủ Hàn Quốc sẽ khai thác các dự án hạ tầng quy mô lớn để phát triển Việt Nam và khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia.
Nhận định hợp tác chuỗi cung ứng là từ khóa quan trọng của hợp tác kinh tế hai nước, theo Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, với môi trường đầu tư thuận lợi và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Nhờ đó, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc triển khai đầu tư vào Việt Nam đã xây dựng chuỗi giá trị trong khu vực. Tuy nhiên, hai bên cần cải tổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu và thực hiện các chính sách hỗ trợ bền vững, tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư, hợp tác về nguyên liệu.
Cũng theo Phó Thủ tướng Hàn Quốc, hợp tác kỹ thuật số và văn hóa là động lực cho hợp tác tương lai. Hàn Quốc muốn đồng hành với Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Hàn Quốc mong muốn góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường ở Việt Nam thông qua các dự án hạ tầng môi trường như tận dụng tài nguyên nước, năng lượng. Bên cạnh đó là hợp tác về năng lượng sạch, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam.
Cho rằng, hai Chính phủ cần nỗ lực giải quyết khó khăn để hợp tác kinh tế mở rộng và phát triển hơn, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho kiến nghị có sự hỗ trợ đặc biệt của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, có chính sách phù hợp đối với doanh nghiệp Hàn Quốc đang đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam để thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư từ nước này.
Cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực giải quyết khó khăn của nhân dân và doanh nghiệp Việt Nam. Hai bên cùng lắng nghe để thúc đẩy hợp tác tốt hơn.
Nâng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD trong năm 2023
Tại cuộc họp Đối thoại lần thứ hai, hai bên đã đề xuất, trao đổi, đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung hợp tác trong 5 lĩnh vực: Thương mại; năng lượng và xây dựng hạ tầng; hợp tác phát triển; công nghệ thông tin - truyền thông và đầu tư; y tế và lao động. Các thỏa thuận hợp tác đạt được là thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế mỗi bên, giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế mới.
Nổi bật trong số đó là việc hai bên đã thống nhất cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại, trong đó có các giải pháp nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc, đẩy mạnh xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng sang nhau trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 100 tỷ USD năm 2023 và 150 tỷ USD năm 2030.
Hai bên thống nhất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp hai nước gặp phải khi đầu tư sang nhau; nhất trí cùng nhau thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như: công nghệ thông tin - truyền thông, điện khí LNG, hạ tầng, đô thị thông minh, hợp tác trong lĩnh vực phân phối và logistic.
Việt Nam - Hàn Quốc nhất trí tăng cường hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức thông qua việc sử dụng hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại, tận dụng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Hàn Quốc để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động và triển khai hiệu quả các thành quả của cuộc đối thoại lần này.
Kết thúc phiên đối thoại, hai Phó Thủ tướng đã ký Biên bản cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Phó Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc Kim Tae Soo ký Thỏa thuận vay dự án Cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
* Trước buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyung-ho đã có cuộc họp hẹp trao đổi một số nội dung cụ thể liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.