Sớm hoàn tất kêu gọi tàu thuyền và sơ tán người dân đến nơi an toàn
Tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 10 diễn ra sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái
Bình chỉ đạo: Nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 10 giờ ngày 14/9. Đến 18 giờ ngày 14/9, các địa phương phải hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn và trước 12 giờ ngày 15/9 hoàn tất việc sơ tán người dân sống tại các khu tập thể, nhà xuống cấp, khu vực xung yếu vào nơi an toàn.
Chủ động ứng phó với cơn bão số 10, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra, tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa cần thiết, phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. Hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các phương tiện đánh bắt vào trong đê chính, không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính khi bão đổ bộ.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 16 giờ ngày 13/9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1.264 tàu, thuyền với 3.619 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản; trong đó, có 99 phương tiện với 558 phương tiện đang hoạt động, neo đậu các bến ngoài tỉnh; 372 phương tiện với 1.269 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình; 793 phương tiện với 1.792 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào đang hoạt động ở các vùng biển nguy hiểm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 3.824 hộ với 14.426 người đang sinh sống ngoài đê chính cần lưu ý để có phương án di dời khi cần thiết. Đến ngày 10/9, toàn tỉnh có 80.264ha lúa mùa, trong đó diện tích lúa đã trỗ là 54.300ha, diện tích lúa có thể thu hoạch vào cuối tháng 9 khoảng 3.000ha; diện tích cây màu hè đã trồng là 8.627ha, trong đó đã thu hoạch khoảng 6.127ha.
Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng yêu cầu các ngành, đơn vị và địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão; thông báo kịp thời vị trí và diễn biến bão cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển để thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, đặc biệt là khu vực neo đậu quanh các đảo. Cùng với đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Các quận, huyện trên địa bàn đã thông báo và huy động tối đa nguồn lực tập trung lên phương án bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản, rau màu, lúa, tiêu cạn nước trên hệ thống kênh mương; chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 10, đặc biệt là các địa bàn có khu nhà cao tầng đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập khi có bão, đảm bảo an toàn cho các công trình.
Nỗ lực hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bão
Cập nhật diễn biến của cơn bão số 10, tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thông báo tất cả các tàu, thuyền đang hành nghề trên biển biết hướng đi và diễn biến của cơn bão và hướng dẫn tàu, thuyền về nơi trú ẩn an toàn. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn đến các đơn vị, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp hủy tất cả các cuộc họp không cấp thiết, tập trung phòng chống bão số 10- cơn bão có thể gây thiệt hại nặng cho địa phương khi đi vào vùng biển và đổ bộ vào đất liền.
Tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão an toàn tại âu thuyền huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6.102 tàu, thuyền với trên 17.670 lao động, trong đó có gần 1.900 tàu thuyền với 6.900 lao động đang đánh bắt hải sản trên biển. Tất cả các chủ tàu, thuyền đã nắm bắt thông tin và diễn biến cơn bão số 10. Tại các vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng và Quảng Ninh có 152 tàu với 875 lao động của tỉnh Hà Tĩnh vào tránh trú ở Đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Tại vùng biển Bình Thuận, Vũng Tàu có 3 tàu với 34 lao động của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nắm bắt thông tin; vùng biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi có 6 tàu với 36 lao động của Hà Tĩnh chủ động vào nơi tránh trú an toàn.
Hiện nay, tại vùng ven biển và các cửa biển ở Hà Tĩnh như Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh), lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ, tuyên truyền ngư dân không ra khơi khi thời tiết nguy hiểm.
Vào sáng 14/9, tại Hà Tĩnh đang có mưa nhỏ và mưa vừa, gió cấp 2 cấp 3 nên một số ngư dân chủ quan vẫn đánh cá vùng ven bờ. Trước tình hình đó tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cấp chính quyền có ngư dân đánh bắt thủy, hải sản tập trung theo dõi, tuyên truyền người dân không nên ra khơi vì có thể bị lốc tố làm lật thuyền. Chính quyền và cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão, đảm bảo an toàn khi đã về bến neo đậu; nghiêm cấm tất cả các, tàu thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.