Báo cáo với đoàn công tác, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2019 kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển toàn diện.
Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành 19/20 chỉ tiêu đề ra (giá trị nông-lâm-thủy sản chưa đạt), các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã góp phần gia tăng chỉ số Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 56.371 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt 33.962 tỷ đồng, tăng so với kế hoạch đề ra (chiếm 42,7% so với GRDP; mức bình quân chung cả nước: 33,8%). Công tác thu ngân sách từng bước được đổi mới, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015 chỉ thu được 5.400 tỷ đồng thì đến năm 2019 ước đạt 9.366 tỷ đồng tăng 1,7 lần so với 2015 và gần 3 lần so với năm 2010, đã giúp cho địa phương có điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh.
Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch, có tính kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế; trong đó, đáng mừng là Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài được Trung ương thống nhất giao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tây Ninh triển khai đầu tư và đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để khởi công xây dựng; dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đang được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam; tiếp tục triển khai thực hiện dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 782-784, Đất Sét - Bến Củi để kết nối với tỉnh Bình Dương. Khi các dự án này hoàn thành sẽ phát huy tốt nhất các tiềm năng lợi thế của tỉnh trong tương lai gần.
Theo ông Dương Văn Thắng, năm 2020 tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị thuộc Bộ và đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch. Đồng thời, tổ chức xây dựng nhanh quy hoạch tỉnh; chủ động, tích cực phối kết hợp với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn như hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đường tuần tra biên giới, dự án chữa sửa Quốc lộ 22B, đồng thời tổ chức thi công hoàn thành 18 cầu thuộc dự án LRAMP.
Riêng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự kiến đến tháng 3/2020, hai tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Thành phố Chí Minh đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đã được ký kết giữa hai địa phương.
Tỉnh cũng đang đề xuất Trung ương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, dự án Trung tâm Logistics, cụm cảng cạn ICD, cảng thuỷ nội địa trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm sắp xếp nguồn vốn để triển khai, kết nối đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An vì đây là dự án liên vùng, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng cho khu vực; đồng thời cho nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 22 (xuyên Á), Quốc lộ 22B; triển khai mô hình "một cửa một lần dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Bà Vét.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tây Ninh nằm trên trục kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với Thủ đô Phmom Pênh của Campuchia thông qua đường xuyên Á (Quốc lộ 22); tỉnh cũng có 2 con sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn về giao thông, tỉnh cần có giải pháp khai thác tốt hơn nữa để đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thể cho biết thêm, hiện nay nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh đi Tây Ninh, qua Phnom Pênh của Campuchia và ngược lại là rất lớn, nhưng chưa có đường cao tốc, trong khi quốc lộ 22 (xuyên Á) và 22B thì nhỏ hẹp, thường xuyên hư hỏng, không được kịp thời nâng cấp, sửa chữa là có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng ủng hộ các kiến nghị của tỉnh Tây Ninh là sắp tới sẽ xem xét trình Chính phủ cho nâng cấp quốc lộ 22, 22B, hoàn chỉnh kết nối đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An, đồng thời đưa vào quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và các bến cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị tỉnh Tây Ninh phát triển hạ tầng giao thông (tuyến quốc lộ, bến cảng...) cần chú ý đến việc kết nối, phát triển thêm các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm phát huy hiệu quả tối đa nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.