Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các cục quản lý đường bộ tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ ống, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời nhân lực và trang thiết bị; cử người trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ nước ngập sâu, nước chảy xiết; khi cần thiết, phải rào chắn, cấm đường, kết hợp phân luồng từ xa, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu thực hiện bảo trì đường bộ chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị, máy móc sẵn sàng để xử lý, khắc phục bảo đảm giao thông khi có sự cố lũ quét, sạt lở đất đá, trôi cầu, đứt đường xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, phục vụ tìm kiếm cứu nạn.
"Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông phục vụ tìm kiếm cứu nạn một cách sớm nhất và sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu", công điện nêu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị phối hợp với sở Giao thông Vận tải và các lực lượng tại địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ thông đường nhanh nhất; có phương án dừng tàu, chuyển tải hành khách phù hợp.
Các Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ phối hợp với các cục quản lý đường bộ, các đơn vị quản lý và bảo trì đường bộ, đường sắt… khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra; tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương.