Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu Sở Y tế rút kinh nghiệm trong công tác lập kế hoạch, phân bổ vaccine; đồng thời huy động tối đa nhân lực y tế, đặc biệt là y tế ngoài công lập để tham gia công tác tiêm vaccine phòng COVID-19; huy động nhân lực, máy tính từ các sở, ngành, địa phương để tham gia công tác nhập liệu lên hệ thống tiêm chủng.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong thời gian tới, Sở Y tế đang đề xuất với UBND tỉnh phương án hợp tác với các cơ sở tiêm chủng tư nhân, chủ trương để các doanh nghiệp tự thỏa thuận, ký hợp đồng với các cơ sở tiêm chủng tư nhân dựa trên số lượng vaccine được phân bổ. Kinh phí phục vụ công tác tiêm chủng do hai bên tự thỏa thuận, doanh nghiệp trả tiền chứ không thu của người lao động.
Từ ngày 29/7 đến ngày 18/8, các địa phương của Đồng Nai mới tiêm được gần 235.500 liều vaccine trên tổng số 311.260 liều; đạt 75,6% kế hoạch tiêm vaccine đợt 4. Theo ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó phải kể đến là việc lập kế hoạch, phân bổ vaccine chậm.
Đợt tiêm thứ 4, tỉnh Đồng Nai được phân bổ hơn 311.000 liều vaccine. Trong thời điểm này, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021 - 2022 gồm 16 nhóm đối tượng ưu tiên thay vì 9 nhóm đối tượng ưu tiên như trước. Trong đó, có thêm các nhóm đối tượng như: người lao động tự do; người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng; người dân ở vùng, khu du lịch; cán bộ hưu trí… Công tác lập kế hoạch, phân bổ vaccine cho các đơn vị, doanh nghiệp vì thế mất nhiều thời gian. Đặc biệt, một số đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp được phân bổ từ 20 – 50% trên tổng số người lao động, cán bộ, nhân viên nên khâu lập danh sách tiêm vaccine còn chậm trễ.
Ông Phan Huy Anh Vũ cho biết thêm, một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 chậm trễ là do thiếu nhân lực ngành y tế trầm trọng. Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao nên lực lượng y tế phải phân tán làm nhiều nhiệm vụ khác. Vì vậy lực lượng y tế tham gia công tác tiêm chủng rất hạn chế. Nhiều địa phương như: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch thiếu nhân lực trầm trọng nên số bàn tiêm không nhiều, dẫn đến số người được tiêm thấp. Cũng vì hạn chế số lượng bàn tiêm, địa điểm tiêm dẫn đến người dân tập trung đông tại các điểm tiêm, không bảo đảm theo Thông điệp 5K, nhất là quy định về giãn cách...