Cụ thể, theo Quyết định số 855/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Theo Quyết định số 856/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Tháp có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Lấp Vò, UBND huyện Lai Vung tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, huyện Lấp Vò triển khai nhiều giải pháp nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc. Tiêu biểu, huyện mở 23 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đào tạo theo địa chỉ là 15 lớp, với 525 học viên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn 8 lớp, với 151 học viên.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 57%... Huyện Lấp Vò thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Tính đến nay, huyện có 41 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao. Tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt chỉ tiêu đề ra (95%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,763 triệu đồng/người/năm.
Huyện Lấp Vò tập trung khai thác các loại hình du lịch như: sinh thái, văn hóa tâm linh, làng nghề... Đặc biệt là Khu du lịch Văn hóa Phương Nam phát triển mới các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ngoài ra, huyện cũng tập trung phát triển văn hóa du lịch Chợ ma Định Yên nhằm phát huy giá trị làng nghề dệt chiếu thủ công và tái hiện không gian Chợ ma Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025.
Tương tự, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, huyện Lai Vung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng mức hưởng thụ về vật chất và tinh thần của người dân. Toàn huyện Lai Vung hiện có 11/11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã: Tân Dương, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại đạt từ 8 - 16 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Các ngành, cấp của huyện tập trung khai thác tốt thế mạnh về nông nghiệp của địa phương. Trong đó, huyện tập trung triển khai Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, nhân rộng diện tích ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng. Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng dần chuyển sang các loại cho giá trị cao; các mô hình khuyến nông đang phát huy hiệu quả. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho người dân tiếp cận được kiến thức, kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm nâng cao tay nghề của người dân, gắn kết các hoạt động sản xuất, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo quy trình VietGAP. Hiện trên địa bàn huyện có 134 vùng trồng được cấp mã số với diện tích hơn 6.166 ha. Đến nay, toàn huyện có 36 sản phẩm OCOP (trong đó có 35 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao)...