Theo bài viết, ngay sau khi Trung Quốc chính thức báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một số ca viêm phổi bất thường vào ngày 31/12/2019, Việt Nam đã hoàn thành việc đánh giá rủi ro y tế. Tới ngày 21/1, Bộ Y tế đã công bố hướng dẫn phòng chống và phát hiện dịch bệnh. Cuối tháng 1 vừa qua, Việt Nam ban hành Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh. Đây là điểm then chốt để phối hợp hành động và liên lạc giữa các bên liên quan ở các cấp chính quyền khác nhau.
Các phương pháp kiểm soát nghiêm ngặt đã từng bước được áp dụng, bao gồm quét thân nhiệt ở sân bay, giãn cách xã hội, ngừng cho du khách nước ngoài nhập cảnh, áp dụng cách ly 14 ngày đối với tất cả những người tới từ nước ngoài, tạm thời đóng cửa trường học và hủy bỏ các sự kiện công cộng. Đeo khẩu trang tại nơi công cộng là quy định bắt buộc, thậm chí trước cả khi có khuyến nghị của WHO. Người dân được khuyến khích rửa tay tại nơi làm việc, nơi công cộng và các khu chung cư. Các ngành nghề không cần thiết được yêu cầu tạm đóng cửa, và lệnh hạn chế di chuyển được thực hiện chặt chẽ trên cả nước trong 3 tuần bắt đầu từ đầu tháng 4.
Trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng, chi phí lớn, Việt Nam lại tập trung vào các ca nhiễm có nguy cơ cao và chỉ thực hiện 350.000 xét nghiệm trên tổng dân số 100 triệu người. Tuy nhiên, Việt Nam lại có tỉ lệ số ca xét nghiệm/số ca dương tính đạt mức 1.000 người, mức cao nhất thế giới.
Cùng lúc, Việt Nam cũng áp dụng phương pháp truy dấu diện rộng và cách ly tới những đối tượng F3. Những cộng đồng có trường hợp dương tính với COVID-19 đều được xét nghiệm và nhanh chóng cách ly. Ước tính gần 450.000 người đã được cách ly. Quá trình điều trị và cách ly tại bệnh viện đều miễn phí. Các biện pháp ngăn chặn sớm và việc tận dụng các cơ sở công cộng, quân sự đã giúp Việt Nam tiết kiệm được chi phí. Ước tính chi phí chống dịch chiếm khoảng 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với khoảng 60% khoản chi cho thiết bị và phần còn lại dành cho các hoạt động kiểm soát dịch.
Bên cạnh đó, theo IMF, công khai và minh bạch cũng là yếu tố rất quan trọng mang lại thành công cho Việt Nam. Ngay từ đầu, truyền thông đã rất minh bạch về virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 và chiến lược phòng dịch của nhà nước. Chi tiết về triệu chứng, biện pháp phòng vệ và các điểm xét nghiệm virus được cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của chính phủ và các tổ chức cơ sở, áp phích tại bệnh viện, văn phòng, chung cư và siêu thị, qua tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại đến từng thuê bao điện thoại.
Chính phủ cũng ra mắt ứng dụng theo dõi liên lạc tại các thành phố lớn. Cách tiếp cận đa phương tiện này đã củng cố niềm tin của người dân và đảm bảo cả xã hội tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch. IMF nhận định các kênh thông tin hiệu quả và minh bạch giúp người dân chống dịch tốt và đây cũng là bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác.