Xin ông cho biết đánh giá của ông về quan hệ giữa Việt Nam và IMF trong thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới?
Việt Nam là một thành viên rất quan trọng đối với IMF. Mối quan hệ này đã trải qua 60 năm từ khi Việt Nam gia nhập IMF lần đầu tiên vào năm 1956, đặc biệt sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới và chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới thì mối quan hệ giữa Việt Nam và IMF càng được tăng cường, thể hiện qua các tư vấn chính sách của IMF cho Việt Nam. Mối quan hệ đó đã và đang phát triển tốt đẹp cùng với các chuyến thăm và làm việc chính thức của Bà Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde tới Việt Nam trong các năm 2016 và 2017. Quan hệ Việt Nam - IMF được hình thành và phát triển qua hai kênh. Kênh thứ nhất là tham vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam theo Điều IV của Điều lệ IMF (Article IV Consultions), hay nói một cách đơn giản là đợt kiểm tra thường niên toàn diện sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam.
Trong các đợt tham vấn này, IMF chia sẻ và trao đổi với các bộ ngành hữu quan của Chính phủ Việt Nam về các đánh giá của IMF đối với các chính sách kinh tế của Việt Nam dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Kênh thứ hai là kênh cung cấp các hoạt động tăng cường năng lực và đào tạo. IMF thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo trao đổi chính sách, cũng như các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, qua đó cán bộ của Việt Nam có thể tham gia tìm hiểu và trao đổi các kinh nghiệm hoạch định chính sách ở cấp độ toàn cầu của IMF và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, chẳng hạn như năng lực đảm bảo chất lượng thống kê, quản lý kinh tế. Tóm lại, trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, quan hệ Việt Nam-IMF vẫn đang tiếp diễn một cách tốt đẹp và chúng tôi thực sự mong muốn rằng dựa trên mối quan hệ đó, IMF có thể góp phần giúp Việt Nam phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao hơn, hoặc thậm chí là thu nhập cao trong thập niên tới.
Chúng tôi đã được thông báo rằng Việt Nam hiện đủ điều kiện được hưởng thủ tục rút gọn (LOT) của IMF. Ông có thể cho biết quyết định này được IMF đưa ra trên cơ sở nào?
Thủ tục LOT hay còn gọi là Thủ tục rút gọn (Lapse of Time) cho một cuộc họp của Ban Giám đốc điều hành IMF. Đây là một cơ chế mới, giúp tăng cường tính hiệu quả của các cuộc họp Ban Giám đốc điều hành. Ví dụ, trước đây đối với Việt Nam, các báo cáo về Việt Nam đều phải trải qua các khâu từ rà soát chính sách tại các cục, vụ liên quan trong IMF đến đưa ra Ban Giám đốc điều hành họp một cách chính thức và các giám đốc điều hành sẽ tham gia thảo luận. Tuy nhiên lần này đối với Việt Nam, do kết quả hoạt động kinh tế trong năm vừa qua rất tốt cùng với các đánh giá chính sách của IMF và của bản thân Chính phủ Việt Nam rất tương đồng, không có khác biệt lớn. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (đẩy nhanh) là không đưa ra họp Ban Giám đốc điều hành một cách chính thức, mà thay vào đó, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn cho thảo luận nội bộ. Như vậy, bạn có thể coi việc áp dụng thủ tục rút gọn này như một sự thừa nhận của IMF về kết quả hoạt động kinh tế tốt của Việt Nam trong năm qua.
Trong một báo cáo gần đây, IMF dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,5% trong năm tới. Ông nhận định như thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam?
Thực tế, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được kết quả nổi bật, mặc dù chúng tôi dự báo năm nay tăng trưởng chỉ đạt 6,6% nhưng kết quả của quý I vừa qua có vẻ cao hơn dự báo. Tính đến nay, kết quả hoạt động kinh tế vẫn duy trì mạnh mẽ và chúng tôi lấy làm vui mừng về điều này, đặc biệt là dù tăng trưởng cao nhưng lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp tương đối. Tất nhiên, có được mức tăng trưởng cao này phần nào nhờ vào các yếu tố bên ngoài thuận lợi như kinh tế thế giới phục hồi, thương mại thế giới được tăng cường. Nhưng đồng thời với đó, chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy rằng, mức tăng trưởng cao đó còn nhờ vào các yếu tố nội tại như sự cải thiện trong công tác đổi mới quản lý chính sách kinh tế của Việt Nam, thể hiện qua một số nỗ lực cải cách như các chính sách giảm thâm hụt tài khoá (thâm hụt tài khoá đã giảm xuống dưới 4%), các nỗ lực cải cách công tác quản trị doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hoá. Chúng tôi cho rằng đây là những cải cách chính sách quan trọng trong thời điểm này đối với Việt Nam. Tóm lại tính đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực và nổi bật.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!