Ngày 6/1, có 39 ngư dân Việt Nam được đưa về nước qua cửa khẩu hàng không, sân bay quốc tế Soekarno Hatta. Phần lớn các ngư dân này là những người làm chứng, bị phía Indonesia giam giữ tại các đảo để phục vụ các phiên tòa xét xử các thuyền trưởng, máy trưởng. Các ngư dân chủ yếu quê ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận… Trước đó, ngày 5/1 có 21 ngư dân và ngày 10/1 sẽ có 11 ngư dân được đưa về nước.
Các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nói chuyện với ngư dân tại sân bay Soekarno Hatta. Ảnh: Đỗ Quyên/Pv TTXVN tại Indonesia |
Ông Trần Minh Cừ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết để tổ chức đợt trao trả này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thời gian qua đã phối hợp rất tích cực với các cơ quan chức năng của Indonesia, thúc đẩy họ sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết nhằm sớm đưa ngư dân về đoàn tụ với gia đình trước Tết Nguyên đán. Theo kế hoạch, từ nay đến trước Tết Nguyên đán, Đại sứ quán sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến đưa ngư dân về đoàn tụ với gia đình.
Các ngư dân này hầu hết thiếu hiểu biết về pháp luật. Nhiều người trong số họ sau khi bị bắt thì bị chủ tàu bỏ rơi, hoàn cảnh gia đình khó khăn và rất khó hoàn thành các thủ tục để được sớm trao trả về nước. Mặc dù đi biển vốn là kế sinh nhai chính của gia đình, nhưng nhiều ngư dân cho biết họ sẽ bỏ nghề biển và tìm một việc làm khác trên bờ.
Ngư dân Trần Văn Dong, 65 tuổi đã nghỉ nghề đi biển 3 năm nay và bị bắt ngay trong chuyến đi biển đầu tiên khi vừa quay lại nghề cũ. Ông cho biết quê gốc ở Hà Tĩnh, đi làm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian ông bị phía Indonesia bắt giữ đến nay đã hơn 10 tháng. Ông đã nhận ra sai phạm của mình và dự định sau này về sẽ không tiếp tục nghề đi biển nữa mà sẽ làm ăn ở trên bờ, đồng thời sẽ dặn dò con cháu để nếu có đi biển sẽ không xâm phạm vào vùng biển của nước bạn.
Cùng bị giam giữ 10 tháng ở Indonesia, ngư dân Nguyễn Hữu Tây, sinh năm 1997, quê Bình Định chia sẻ, lên tàu thì chỉ biết đi theo tàu. Sau lần bị bắt này về, Tây sẽ không làm nghề đi biển nữa mà sẽ học và làm nghề ở trên bờ.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Thơ, quê gốc Bình Định, đi làm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, người bị giam lâu nhất (16 tháng) trong số các ngư dân được trao trả đợt này, cho biết: "Tôi là trụ cột gia đình, đi làm bị bắt không có tiền gửi về cho vợ con. Chúng tôi làm nghề đi trên biển, Tài công bắt đi đâu phải theo đấy. Sau lần này tôi cũng rút ra bài học sâu sắc cho bản thân mình".
Từ đầu năm đến nay, đã có gần 1.300 ngư dân được đưa về nước. Đặc biệt, có hai đợt lớn nhất với sự phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đưa tổng số 934 ngư dân về nước qua đường biển.