“Kênh đấu tranh dư luận” về tình hình Biển Đông

Thời gian qua, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, báo chí đã triển khai rất bài bản, toàn diện thông tin, tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Minh Huệ (ảnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về chủ đề này.

Thưa ông, sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou- 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí trong nước và quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả tuyên truyền của báo chí trong nước thời gian qua trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền biển đảo?

Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng đối với mọi người dân Việt Nam và bất khả xâm phạm. Lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước của nhân dân ta chứng minh điều đó. Sự tồn tại và phát triển của một đất nước hình chữ S là thành quả đấu tranh kiên cường, mưu trí của ông cha, không chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào, dù độc ác, nham hiểm và mạnh đến đâu. Chính vì vậy trước việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và triển khai lực lượng hộ tống hùng hậu tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta từ đầu tháng 5 đến nay, hệ thống báo chí cả nước đã vào cuộc mạnh mẽ.

Phóng viên Hữu Trung - Công Định - Kênh truyền hình Vnews tác nghiệp tại Hoàng Sa.


Xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, báo chí đã triển khai một cách khẩn trương, bài bản, toàn diện việc thông tin, tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trở thành kênh đấu tranh quan trọng, có hiệu quả, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. Báo chí đã bám sát diễn biến trên thực địa, hoạt động ngoại giao, chính trị, dư luận xã hội, dư luận quốc tế, đăng phát nhiều tin, bài, hình, ảnh để nêu rõ bản chất sự việc, phê phán hành động ngang ngược, sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, khẳng định quan điểm, thái độ của ta trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Báo chí đã đồng loạt lên tiếng, phản ánh sự phẫn nộ của mọi tầng lớp nhân dân, phản đối Trung Quốc, đòi Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển của Việt Nam và chấm dứt các hành động khiêu khích.

Nhiều nhà báo đã xung phong lên tàu, ra khơi để đưa tin từ thực địa, bổ sung thêm những dòng tin, bức hình, thước phim quay cảnh tàu Trung Quốc hoạt động trái phép, khiêu khích, đâm va và vu cáo Việt Nam. Báo chí đã thông tin kịp thời, trung thực về những hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc. Và trên thực tế, thông tin báo chí đã trở thành một kênh đấu tranh dư luận, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh hòa bình để cho bạn bè, nhân dân thế giới hiểu rõ và ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Hiệu quả của thông tin rất rõ, rất lớn, không chỉ đối với độc giả trong nước, mà cả với nước ngoài. Nhờ những thông tin vạch rõ âm mưu, hành động của Trung Quốc mà chúng ta thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận thế giới.

Một thí dụ cụ thể về tác động tốt của thông tin là khi Việt Nam công bố hình ảnh tàu Trung Quốc đâm va, đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc không thể chối cãi, mặc dù trước đó đã lớn tiếng vu cáo tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. Sau đó, báo chí nước ngoài đồng loạt lên tiếng phê phán “hành động dã man” của Trung Quốc.

Cuộc đấu tranh giành chủ quyền biển đảo của nước ta chắc chắn sẽ còn kéo dài. Theo ông, các cơ quan báo chí cần tổ chức thông tin như thế nào để tăng hiệu quả tuyên truyền, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc? Mỗi nhà báo cần chuẩn bị những gì để thể hiện vai trò, trách nhiệm của người cầm bút trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước?

Trước hành động xâm phạm của phía Trung Quốc, quan điểm nhất quán của chúng ta là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Tuy nhiên, như phóng viên đã nói, cuộc đấu tranh giành chủ quyền biển đảo của chúng ta với Trung Quốc còn kéo dài, bởi lẽ tham vọng của Trung Quốc quá lớn, quá lộ liễu, muốn thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế.


Đối với chúng ta, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa phát biểu mới đây, “đời này chúng ta chưa làm được (đòi chủ quyền biển đảo Hoàng Sa- P.V), đời con, cháu chúng ta sẽ tiếp tục”. Ông cha ta có nhiều kinh nghiệm đấu tranh với các thế lực phong kiến phương Bắc, cương quyết nhưng mưu trí, kết hợp mọi phương thức đấu tranh.

Vậy thì báo chí của chúng ta cũng phải thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo đó. Để làm tốt công tác thông tin, thông tin đúng định hướng, mang tính định hướng, trước hết phóng viên, nhà báo phải nắm vững chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước, giữ vững kỷ luật thông tin, không được phép đi quá để đẩy tình hình căng thêm. Thông tin cần trung thực, tạo sự đồng thuận, phê phán những hành động quá khích. Thực tế thời gian qua cho thấy, báo chí của chúng ta được biểu dương về tổng thể, nhưng đôi lúc bị nhắc nhở vì có lúc đưa tin sơ hở, chưa tiết chế liều lượng. Đây là cuộc đấu tranh cam go và quyết liệt, ngay cả nhà báo chúng ta cũng cần phải hết sức tỉnh táo, giữ vững kỷ luật thông tin.

Xin cảm ơn ông!

V.Tôn (thực hiện)
Trường Sa - Hành trình tâm hồn của người viết báo
Trường Sa - Hành trình tâm hồn của người viết báo

Làm báo là một nghề đầy may mắn vì phóng viên có cơ hội đi trên rất nhiều con đường đến với những miền của đất Mẹ. Và có một miền nhớ, miền tâm hồn khi chúng tôi, những người làm báo được chạm đến Trường Sa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN