Kết hợp chặt chẽ phát triển giao thông vận tải gắn liền với quốc phòng, an ninh

Chiều 29/3, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Đoạn đầu của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khớp nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đánh giá cao những kết quả Bộ Giao thông vận tải đã đạt được, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

"Bộ Giao thông vận tải cũng là một trong số các bộ, ngành sớm cơ bản hoàn thành quy hoạch ngành quốc gia, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo ra đột phá, phát triển nhanh hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh, quốc phòng", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo Đại tướng, bộ cần có các chủ trương, giải pháp cụ thể phát triển giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý vùng trời, vùng biển, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trên 5 lĩnh vực giao thông vận tải, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn..

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định sau hội nghị tổng kết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ chính trị, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt điều chỉnh, bổ sung các chiến lược quy hoạch ngành giao thông vận tải đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục được nghiên cứu triển khai đồng bộ với một số công trình hiện đại như đến năm 2030, phấn đấu cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển, đầu tư xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh".

"Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, chương trình ký kết, rà soát bổ sung các quy định mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, qua 10 năm thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Ban Cán sự Đảng Bộ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cấp ủy chính quyền các địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ, kết hợp chặt chẽ phát triển giao thông vận tải với quốc phòng, an ninh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Trong những năm qua, ngành giao thông vận tải đã có bước phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Hệ thống đường bộ được Bộ giao thông vận tải quan tâm đầu tư cơ bản đồng đều giữa các vùng, miền và các địa phương, ưu tiên đầu tư cho các vùng động lực (Thủ đô Hà Nội, Đông Nam Bộ), vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và các vùng khó khăn.

Đến nay, hơn 1.400 km đường bộ cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Các tuyến quốc lộ chính yếu đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cơ bản. Trong đó, tập trung hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…

Bộ Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với các địa phương huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường vành đai biên giới, vùng núi, ven biển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương, địa bàn và vùng chiến lược.

Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong kiểm soát không lưu, hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự; 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh đã và đang được cải tạo nâng cấp, đang xây mới cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành cảng trung chuyển hàng không quốc tế lớn của khu vực.

Lĩnh vực đường sắt đã cải tạo, nâng cấp được tập trung vào một số công trình khẩn cấp, thiết yếu trên các tuyến đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng mới, đưa vào khai thác được khoảng 5,67 km đường sắt quốc gia, 13 km đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo xây dựng và phát triển đội tàu nhằm đảm bảo thị phần vận tải nội địa và nâng cao năng lực vận tải quốc tế. Hàng loạt khu bến cảng cửa ngõ quốc tế được đầu tư phát triển như: Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng) đưa tổng công suất thiết kế các cảng hiện nay lên khoảng 750 triệu tấn/năm.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, bên cạnh việc nâng cấp, tăng chiều dài các đoạn, tuyến chính đang quản lý khai thác, một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở Đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng cũng được đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, lĩnh vực phát triển giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tính đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng 149.214 km đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng 4.145 cầu trên phạm vi 50 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 8.3 tỷ đồng, hoàn thành Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Các công trình đã góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Quang Toàn (TTXVN)
Xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Chiều 29/3, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết Trung ương 8).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN