Hội thảo hướng đến mục tiêu xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững, giúp kết nối các tiềm năng du lịch của ba nước, hình thành các tuyến du lịch, điểm đến du lịch, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển và mở rộng ra các tỉnh khác trong phạm vi ba nước; qua đó góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác là “Tăng cường đoàn kết, hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, trong xu hướng phát triển hiện nay, liên kết phát triển du lịch là một tất yếu, cho phép khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch như cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch, nguồn lực con người… tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng độc đáo, có sức hút với du khách. Việc hợp tác, liên kết sẽ góp phần giải quyết thực trạng phát triển nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp cũng như bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển du lịch ở các địa phương.
Những năm gần đây, Gia Lai được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến thông qua những sự kiện lớn, là những yếu tố tạo nên lợi thế cho sự phát triển du lịch địa phương như: Lễ đón nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-Di sản văn hóa phi vật thể, truyền khẩu của nhân loại; Festival cồng chiêng; Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya cùng nhiều thắng cảnh đẹp như: hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Hang Dơi, thác 50, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn Kon Chư Răng và thương hiệu hồ tiêu Chư Sê… “Với nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú và sự đa dạng về bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, du lịch Gia Lai đang dần khẳng định vị thế của mình trong xu hướng hội nhập và phát triển cũng như trong hợp tác, phát triển du lịch vùng”- ông Kpă Thuyên cho biết thêm.
Chia sẻ quan điểm về phát triển du lịch, bà Phonemaly Inthapphome, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Lào cho biết: Những năm qua, một lượng khách không nhỏ đã đến Lào là thế hệ con, cháu muốn đi thăm lại chiến trường xưa - nơi cha, anh mình đã hi sinh trong cuộc chiến ở Đông Dương. Đối với một số địa phương của Việt Nam có tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối nhiều điểm di tích lịch sử, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên theo bà Phonemaly Inthapphome, muốn du lịch phát triển bền vững đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải cao, sản phẩm du lịch phải đa dạng, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng của hợp tác phát triển khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, bởi khu vực này hội tụ nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo, nguyên sơ, có giá trị cao cho phát triển du lịch cả về tự nhiên và văn hóa. Khu vực Tam giác phát triển có vị trí chiến lược quan trọng, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Hiện khu vực này mới chỉ thu hút được một lượng khách du lịch khá khiêm tốn. Tổng lượng khách quốc tế năm 2018 đến khu vực chỉ đạt hơn 860.000 lượt, một con số quá nhỏ so với bất kỳ một điểm du lịch đô thị của mỗi nước.
“Các địa phương thuộc khu vực Tam giác phát triển đều ở trên cao nguyên, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển. Dù có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng hầu hết mới chỉ ở dạng tiềm năng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các điều kiện hạ tầng nhìn chung còn thấp và hạn chế hơn so với mức độ trung bình của mỗi nước, sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao. Việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam sẽ giúp kết nối các tiềm năng du lịch của ba nước, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực và mở rộng ra các tỉnh khác trong phạm vi ba nước”- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định.
Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là khu vực ngã ba biên giới của ba nước được Thủ tướng ba nước ký quyết định thành lập năm 1999 gồm 13 tỉnh. Mục tiêu hình thành khu vực Tam giác phát triển là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.