Kết thúc phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 18/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.


Phần đầu phiên họp, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Qua thảo luận, các ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh. Pháp lệnh năm 1994 chủ yếu mới xem xét, áp dụng cho các bà mẹ có 3 con là liệt sĩ trở lên hoặc chỉ có 1 con hoặc 2 con nhưng đều là liệt sĩ. Việc xem xét mở rộng đối tượng, tiếp tục tôn vinh các bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế là phù hợp với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.


Theo dự thảo Pháp lệnh, Điều 2 quy định những trường hợp được công nhận danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng": Có 2 con trở lên là liệt sỹ; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh hoặc bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; hoặc có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.


Sau khi thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.


Tiếp đó, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung: Bản chất hợp tác xã; cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; tổ chức liên minh hợp tác xã; quy định quyền của hợp tác xã được thành lập công ty; quy định phân phối thu nhập của hợp tác xã; quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.


Thời gian còn lại của buổi sáng, UBTVQH thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Phí điều tiết hoạt động điện lực là nội dung còn ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận. Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng giao UBTVQH bổ sung phí điều tiết hoạt động điện lực vào Danh mục phí và lệ phí của Pháp lệnh Phí và lệ phí. Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số ý kiến của UBTVQH không tán thành với việc quy định phí điều tiết hoạt động điện lực trong dự án Luật. Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đề nghị cần quy định nội dung phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường vào dự án Luật này.


Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: UBTVQH thống nhất không đưa quy định phí điều tiết hoạt động điện lực và cơ quan điều tiết điện lực vào dự án Luật; nhất trí quy định về nguyên tắc nội dung phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường trong dự án Luật.


lChiều 18/10, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015. Trước đó, tại phiên họp thứ 8, cho ý kiến về việc phân bổ ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015, UBTVQH đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban, hoàn chỉnh Báo cáo.


Thẩm tra những nội dung bổ sung này của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Báo cáo bổ sung của Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến của UBTVQH tại phiên họp thứ 8 liên quan đến những vấn đề: 13 dự án thành phần về truyền thông, giám sát đánh giá và nâng cao năng lực ở các chương trình mục tiêu quốc gia; một số nội dung thuộc một số dự án thành phần; nguồn lực tổng thể và thời gian thực hiện các dự án.


Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã giải trình và đề nghị giữ nguyên nội dung và tên gọi hai dự án thành phần “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo” và dự án “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để bảo đảm hiệu quả, đầu tư có hệ thống, mang tính liên tục của Chương trình 135 và Chương trình 30a đã thực hiện trước đây, cần thiết phải tách riêng để có hai dự án thành phần là: (1) Chương trình 135 giai đoạn III và (2) Chương trình 30a. Đồng thời, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ mới trong tổng thể dự án về giảm nghèo vào nội dung thực hiện của các chương trình này, như vậy vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chung của Chương trình, vừa giữ được “thương hiệu” đã có trước đây, tạo niềm tin cho người dân trong thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo, công tác dân tộc.


Cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị Chính phủ trên cơ sở nguồn lực tổng thể đã được Quốc hội thông qua, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, xác định rõ các cam kết của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và khả năng đóng góp của nhân dân để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, sớm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2013 - 2015, để các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai công việc và huy động các nguồn vốn đối ứng; đồng thời, cần có cơ chế quản lý và thường xuyên đánh giá, sơ kết việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm.


Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, đối với một số chương trình đã rõ mục tiêu như: Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường và một số chương trình y tế khác đang triển khai có hiệu quả trong thực tế thì cần tiếp tục phê duyệt, phân bổ vốn để đảm bảo hoàn tất mục tiêu đề ra. Đối với những chương trình, dự án chưa rõ mục tiêu, hoặc chưa xứng tầm chương trình mục tiêu quốc gia thì cần xem xét, loại bỏ, tránh để ảnh hưởng đến tiến độ các chương trình khác. Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉ nên xây dựng định hướng, dự kiến phân bổ ngân sách trung, dài hạn 3-5 năm để làm cơ sở triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đến 2015.


Kết luận tổng thể các nội dung của Phiên họp thứ 12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, phiên họp đã hoàn thành các nội dung đề ra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ khai mạc trong tuần tới có rất nhiều nội dung quan trọng và nhạy cảm như cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Đất đai; Đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và khối lượng công việc trong phần xây dựng pháp luật rất lớn. Để đảm bảo chất lượng cho Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan của Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị thật tốt các nội dung làm việc, đảm bảo tốt công tác hậu cần, phục vụ vì thành công của Kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.



Quỳnh Hoa - Quang Vũ

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN