Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có 69 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và tranh luận. Tham gia trả lời nội dung này có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân để làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, không khí chất vấn, trả lời chất vấn, phần tranh luận rất sôi nổi, sâu sắc và thẳng thắn. Cơ bản các đại biểu đã đặt câu hỏi theo đúng thời gian quy định, rõ vấn đề chất vấn, tuy nhiên còn một số đại biểu hỏi hơi dài hoặc hỏi nhiều nội dung, có nội dung nằm ngoài nhóm vấn đề đã được chọn chất vấn.
Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn trước Quốc hội. Với kinh nghiệm trong quản lý điều hành ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể và nhận trách nhiệm đối với những bất cập, hạn chế, tồn tại đối với lĩnh vực quan trọng này. Tuy nhiên, một số nội dung Bộ trưởng trả lời phần đầu còn hơi dài.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp trồng người phải luôn được ưu tiên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng đất nước.
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của gia đình và xã hội, lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực. So với các nước trong khu vực, chất lượng giáo dục nước ta đã có nhiều kết quả tiến bộ. Hệ thống giáo dục đại học, giáo dục phổ thông có nhiều đổi mới; nhiều học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các cuộc thi khu vực và quốc tế. Giáo dục mầm non cũng được Nhà nước, xã hội quan tâm, đầu tư. Bộ đã tích cực triển khai Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về đổi mới căn bản hệ thống giáo dục đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bên cạnh những thành quả đạt được còn không ít những tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong gia đình, ngoài xã hội vẫn còn chưa thực sự yên tâm với chất lượng chung của hệ thống giáo dục quốc dân; vẫn còn nhiều trăn trở, lo lắng cho con em trong việc học hành, thi cử; băn khoăn về những khó khăn của giáo dục mầm non; bức xúc trước tình trạng vi phạm đạo đức của một số giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn, tranh luận để làm rõ các nội dung nêu trên với mong muốn Bộ trưởng có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Theo đó, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo, trong đó quan tâm đến chính sách đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội hướng tới mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thành Đề án quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, chú trọng các trường sư phạm đào tạo giáo viên; có chính sách thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia hoạt động giáo dục, đào tạo; sớm ban hành Nghị định về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập; khắc phục các bất cập, hoàn thiện và ổn định cách thức thi cử, tuyển sinh, xét tuyển, cử tuyển, tránh tạo áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học và đào tạo đội ngũ giáo viên gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; tiếp tục thực hiện thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo năng lực người học, khắc phục “bệnh thành tích” trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, ngành cần rà soát, hoàn thiện chương trình giáo dục mầm non; có chính sách thu hút, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non; rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo.
Đặc biệt, các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giáo dục và đào tạo; có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ, những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các hành vi phi đạo đức của giáo viên và học sinh.