Mạng đường sắt quốc gia hiện có tổng chiều dài hơn 3.100 km. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quản lý, kinh doanh, khai thác đường sắt quốc gia có hiệu quả, đặc biệt từ khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng đường sắt còn lạc hậu và ngày càng xuống cấp; năng lực vận chuyển hạn chế, tính cạnh tranh thấp, nguy cơ mất an toàn trong khai thác cao. Năm 2015, khối lượng vận chuyển bằng đường sắt chỉ chiếm 2,7% về hành khách và 1,8% về hàng hóa trong toàn ngành giao thông vận tải.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với hành khách trên ga đường sắt Hà Nội. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Nguyên nhân chính của những hạn chế này do nhận thức về vai trò của ngành đường sắt trong tổng thể kết cấu hạ tầng ngành giao thông vận tải còn chưa đầy đủ. Trong thời gian dài đầu tư cho hạ tầng đường sắt không đáng kể, trong khi đường bộ, đường hàng không được tập trung đầu tư khá nhiều nên thị phần vận tải đường sắt liên tục sụt giảm.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Chính phủ và Tổng Công ty Đường sắt đã làm rõ thêm một số vấn đề còn tồn tại, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm giúp cho ngành đường sắt vượt qua khó khăn thực hiện thành công định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Đường sắt Việt Nam có lịch sử lâu đời, trong đó các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động ngành đường sắt có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, vai trò quan trọng của ngành đường sắt, không chỉ làm nhiệm vụ vận tải, mà còn tham gia vào quá trình cấu trúc giá thành của các sản phẩm từ người sản xuất đến tiêu dùng, cơ cấu lại các phương thức vận tải cho mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, phát triển đường sắt được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Qua thị sát tình hình thực tế tại các nhà ga, Phó Thủ tướng đánh giá hạ tầng đường sắt đã có những thay đổi, kết quả hoạt động tái cấu trúc hoạt động của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, là cơ sở để đúc kết rút kinh nghiệm, tiếp tục tái cơ cấu trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những hạn chế, bất cập của ngành đường sắt Việt Nam, "Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng hệ thống hạ tầng đường sắt còn lạc hậu, năng lực vận tải thấp, thị phần vận tải chỉ chiếm hơn 2% trong toàn ngành giao thông vận tải . Hệ thống hạ tầng đường sắt chưa kết nối được với các loại hình giao thông, cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị... Công tác bảo trì, thi công, sửa chữa trong lĩnh vực đường sắt chậm phát triển. Tai nạn đường sắt còn cao, nhất là tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Đồng thời thể chế, chính sách liên quan đến giao thông vận tải, ngành đường sắt còn nhiều hạn chế. Năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ ngành đường sắt chưa đáp ứng được yêu cầu".
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đường sắt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị cần phải có thứ tự để ưu tiên, nâng cấp đường sắt Bắc – Nam, từng bước đạt được các mục tiêu đạt tốc độ 80 - 90 km/giờ đối với vận tải hành khách; từng bước đầu tư khắc phục các nút thắt về kết cấu hạ tầng đường sắt. Ngành đường sắt cần tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo các nhà ga có lượng hành khách lớn; từng bước đầu tư kết nối hệ thống đường sắt quốc gia với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ lớn, kết nối với cảng biển và các nước trong khu vực.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành chức năng tập trung hoàn thành báo cáo Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao để trình Quốc hội. Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam lập đề án cụ thể, trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tìm nguồn vốn để triển khai.