Trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết, với 3 lý do:
Thứ nhất: Ngày 7/4/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, với nhiều chủ trương lớn trong tổ chức phong trào thi đua, đề cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu trong tổ chức phong trào thi đua; đổi mới công tác khen thưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Các chủ trương quan trọng đó của Bộ Chính trị cần được thể chế hóa vào Luật Thi đua, khen thưởng.
Thứ hai: Ngày 7/2/2017, Văn phòng Trung ương có văn bản số 3257-CV/VPTW thông báo kết luận của Ban Bí thư đồng ý về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời “Đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp tình hình mới”.
Thứ ba: Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 (Luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013). Sau 17 năm thực hiện Luật, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; về thủ tục, hồ sơ khen thưởng; về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.
Về quan điểm chỉ đạo và mục tiêu xây dựng dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu xây dựng dự án Luật như trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội xin nhấn mạnh việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng không chỉ các Chỉ thị, Kết luận về công tác thi đua, khen thưởng mà còn các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận có liên quan khác của Đảng như Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc sửa đổi phải tiếp tục bảo đảm quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, khen thưởng bảo đảm chính xác, không trùng lặp, chồng chéo. Tập trung hướng về cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết: Cần nghiên cứu về việc Kỷ niệm chương về đại biểu dân cử. “Nên giải thích khái niệm Huân chương để cho thống nhất”, bà Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng: “Cần xem xét hình thức thi đua khen thưởng trong Quốc hội. Cần có Huy chương vì đại biểu nhân dân đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân do Chủ tịch Quốc hội ký, như vậy có được không”.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc. Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện, tự giác của cá nhân, tập thể. Khen thưởng là một chính sách, có đối tượng và tiêu chuẩn cụ thể. Thi đua thì phải có khen thưởng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”, nhưng không phải mọi khen thưởng đều xuất phát từ thi đua (như khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng đối ngoại).
Về xử lý vi phạm (Điều 96 và Điều 97), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ mối quan hệ của những quy định này với nội dung quy định những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12). Bổ sung quy định về việc tước, phục hồi và trao lại các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, bảo đảm đồng bộ với quy định tại Điều 54 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng. Bổ sung quy định về việc tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước: “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”, “Nghệ sỹ nhân dân”, Nghệ sỹ Ưu tú” phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề, trong đó, chú trọng đến vấn đề uy tín cá nhân có danh hiệu để có thể quy định tước danh hiệu ngay cả trong trường hợp cá nhân đó chưa vi phạm pháp luật hình sự. Quy định rõ danh hiệu có thể bị tước, thủ tục tước đối với từng danh hiệu trong trường hợp cá nhân nhận được nhiều danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị Tòa án tuyên có tội và bản án có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Về khen thưởng cho đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đang xếp ngoài của Luật Thi đua khen thưởng cho nên cần xem xét kỹ khoản 5 của Điều 3 của Luật Thi đua khen thưởng. "Các Ủy ban của Quốc hội có thể được khen thưởng như các Bộ", Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hiện nay không có thành viên của các Ủy ban của Quốc hội trong Hội đồng thi đua Khen thưởng của Trung ương, cho nên cũng cần xem xét bổ sung.
Dự án Luật gồm 100 điều (giảm 3 điều so với Luật hiện hành) và giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như Luật hiện hành, sửa đổi, điều chỉnh 79 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng Luật. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với tên gọi là “Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)”.