Khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa IV

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa IV. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lớp học đã dự.

Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa IV có 90 học viên. Đây là các cán bộ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tín nhiệm, giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương. 4 tháng học tập trung tại Học viện, các học viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và một số kỹ năng, góp phần củng cố nhận thức về chính trị - xã hội, lập trường cách mạng; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tác phong, trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo lớp học, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp đang đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội. Sự vững vàng, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ở phía trước, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành ở Trung ương, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền địa phương. Đội ngũ cán bộ này phải được đào tạo, bồi dưỡng, được rèn luyện, trang bị đầy đủ kiến thức để trở thành những người “hiền tài”, vừa phải có “ tâm” vừa phải có “ tài”, có phong cách của người lãnh đạo với năng lực tư duy và hoạt động thực tiễn nổi trội, đủ sức đảm đương những nhiệm vụ to lớn, phức tạp đặt ra trước Tổ quốc và nhân dân ta, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kỷ nguyên của cách mạng khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.

Tổ chức tốt lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp vừa nhằm củng cố kiến thức, tăng cường năng lực thực tiễn để các cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ hiện tại, vừa tạo điều kiện để các cán bộ trau dồi, cập nhật kiến thức mới đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của chức danh quy hoạch, đảm bảo hoàn thành tốt nhất chức trách nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Tô Huy Rứa yêu cầu cần bảo đảm thật tốt nội dung của từng chuyên đề và toàn bộ chương trình của lớp học; vừa cung cấp những kiến thức cơ bản, vừa bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn, phù hợp với đối tượng của Lớp bồi dưỡng. Về lý luận, cần đi sâu nghiên cứu, thấm nhuần những thành tựu phát triển mới và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết Trung ương ban hành trong những năm vừa qua. Về thực tiễn, cần hết sức coi trọng trau dồi về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; khả năng nghiên cứu tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường các báo cáo điển hình từ thực tế công tác. Lớp bồi dưỡng phải đặc biệt chú trọng trau dồi về đạo đức, lối sống của người cán bộ; gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Đồng chí Tô Huy Rứa lưu ý cần chủ động và tích cực gắn bồi dưỡng lý luận, quan điểm đường lối với nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề sinh động, phong phú, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý phải kịp thời nắm bắt, phân tích, xử lý có hiệu quả, phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, yêu cầu về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với học viên của lớp học phải được coi là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Chương trình đi thực tế cần thiết thực, khuyến khích tổ chức đi đến những nơi có thực tiễn sôi động, đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn; đề xuất được cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp hữu hiệu, cụ thể, khả thi, góp phần giải quyết các vấn đề đang tồn tại.



Hương Thủy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN