Ngày 15/11, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ đã diễn ra tại New Delhi với sự tham dự của nhiều đoàn doanh nghiệp và quan chức các cục, vụ chức năng của hai nước. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Sơn Hà và các cán bộ Thương vụ Việt Nam cũng tham dự Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Vụ Trưởng vụ Thị trường châu Phi-Tây Á-Nam Á thuộc Bộ Công Thương Việt Nam Lê Thái Hòa đã nêu một số thông tin về phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ông Hòa cho biết Việt Nam đã tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu và đang nỗ lực để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là thành viên tích cực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cùng với các nước trong ASEAN, Việt Nan là một bên của các Hiệp định tự do thương mại (FTAs) của khối này với các đối tác như FTA giữa ASEAN - Trung Quốc, FTA giữa ASEAN - Ấn Độ, FTA giữa ASEAN - Hàn Quốc FTA giữa ASEAN - Australia - New Zealand. Năm 2010, Việt Nam đã trở thành một đối tác chính thức trong tiến trình thương lượng Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam hiện đang trong tiến trình thương lượng các FTA với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan.
Ông Hòa cho biết thêm trong năm 2012, GDP của Việt Nam đạt 139 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2011 và thu nhập bình quân theo đầu người đạt xấp xỉ 1.600 USD trong chín tháng đầu năm 2013, GDP của Việt Nam dự kiến tăng 5,14% so với cùng kỳ năm 2012. Các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Việt Nam gồm dầu - khí, điện, chế biến thực phẩm, dệt, may mặc, giày dép, máy móc, đồ nội thất, đồ điện tử, than đá, thép, ximăng, phân bón hóa học, kính, lốp xe, giấy….
Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều lớn nhất thế giới đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê đứng thứ năm về xuất khẩu cao su tự nhiên. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và các nước ASEAN nằm trong số những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Với Ấn Độ, ông Hòa nhấn mạnh hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã có mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, ký nhiều hiệp định hợp tác như Hiệp định hợp tác thương mại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn hiện hướng tới thế kỷ 21 Biên bản ghi nhớ (MoU) về công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam thành lập Ủy ban liên chính phủ Việt Nam là một thành phần trong FTA giữa Ấn Độ-ASEAN…
Quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển ấn tượng trong những năm qua. Ấn Độ hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,94 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,16 tỷ USD.
Trong chín tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 3,935 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,835 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ gồm điện thoại, linh kiện điện thoại, máy tính và linh kiện máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ, cao su, cà phê….trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ gồm ngô, thức ăn gia súc, nguyên liệu, dược phẩm, théo, sắt, bông, vải, hải sản…
Theo ông Hòa, tiềm năng và cơ hội để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, trao đổi thương mại song phương hiện chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.
Do đó, để khai thác những tiềm năng này, ông Hòa đưa ra một số đề xuất như các cơ quan chức năng của hai nước tích cực triển khai thực hiện các hiệp định hoặc các MoU đã ký, đặc biệt là Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Ấn Độ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tại mỗi nước các cộng đồng doanh nghiệp tại hai nước cần tăng cường trao đổi các chuyến thăm để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đồng thời tham gia các hội chợ và triển lãm tại mỗi nước các doanh nghiệp hai nước nên sử dụng các kênh hiện có để cung cấp thông tin liên quan đến môi trường doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư…
Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã giới thiệu môi trường, điều kiện và cơ hội đầu tư tại doanh nghiệp của mình các đoàn doanh nghiệp hai nước cũng giải đáp những câu hỏi của các bên liên quan đến môi trường và điều kiện kinh doanh.
TTXVN/Tin tức