Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhắc lại giấc mơ của những thành viên sáng lập ASEAN từ 52 năm trước, với mục tiêu đưa ASEAN trở thành một khu vực ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế và xã hội. Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, trong toàn bộ quá trình hơn 5 thập kỷ qua, nếu không cùng nhau chung tay góp sức để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thì chắc chắc sẽ không có một khối ASEAN vững mạnh như ngày nay.
Là Chủ tịch AEM 51, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nhấn mạnh trong năm 2019, Thái Lan với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đã tiến hành xúc tiến kế hoạch phát triển kinh tế của ASEAN theo đúng lộ trình. Ngoài ra, Thái Lan cũng thúc đẩy việc thực hiện những kế hoạch trong lộ trình mà từ trước đến nay ASEAN chưa từng xúc tiến. Một trong số đó là việc phát triển kinh tế số.
Ngoài ra, Thái Lan cũng đang lên kế hoạch phát triển cho một nền công nghiệp và nguồn nhân lực để có thể đón đầu xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai, đồng thời cũng áp dụng kinh tế số cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là các bước chuẩn bị để ASEAN có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.
Trong khuôn khổ AEM 51 diễn ra tại Bangkok từ 3-10/9, một loạt hội nghị liên quan cũng được tổ chức bao gồm: Hội nghị Hội đồng Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 33, Hội nghị liên bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 22, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN và các nước đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 7, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mekong - Nhật Bản (EMM) lần thứ 11, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 11...
Đây là chuỗi các hoạt động chính trong kênh hợp tác kinh tế ASEAN, là dịp để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối tiến hành trao đổi, ký kết các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối, thống nhất nội dung các văn kiện trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới tại Bangkok, Thái Lan.
Hội nghị AEM 51 dự kiến thảo luận các ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại trong năm 2019 của ASEAN do nước Chủ tịch ASEAN năm 2019 là Thái Lan đề xuất; rà soát tổng thể lộ trình thực hiện những cam kết trong các Hiệp định của ASEAN; tình hình thực hiện các ưu tiên năm 2019 nhằm hướng tới hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, trong đó tập trung vào các nội dung: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN…
Về hợp tác ngoại khối, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ kiểm điểm lại các kết quả hợp tác mà ASEAN với các đối tác đã đạt được trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand cũng như định hướng nâng cấp các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hiện có với các đối tác này trong thời gian tới. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình và tiến triển hợp tác với các đối tác khác như Canada, Nga và Mỹ và đưa ra định hướng nhằm đẩy mạnh hợp tác.
Ngoài ra, bên lề Hội nghị AEM 51, Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 7 sẽ được tổ chức nhằm thảo luận mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2019 như các nhà Lãnh đạo đã chỉ đạo tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 2 vào tháng 11 năm 2018 tại Singapore.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề phiên khai mạc AEM 51, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tại Hội nghị này, Việt Nam sẽ ký Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA). Trừ Philippines, đến nay đã có 9 nước ASEAN ký kết Hiệp định này nhằm tự do hóa sâu rộng hơn nữa lĩnh vực thương mại dịch vụ trong khối ASEAN.
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, sau 24 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 31,8 tỷ USD trong năm 2018.
Bên cạnh lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc hội nhập vào khu vực kinh tế ASEAN còn đem lại những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, việc thực hiện các cam kết trong ASEAN đã góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, giúp Việt Nam nâng cao năng lực thể chế và tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch, góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Về định hướng và các sáng kiến dự kiến trong năm ASEAN 2020 của Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành thuộc trụ cột kinh tế trong hợp tác ASEAN xây dựng cách tiếp cận, chủ đề và các ưu tiên của trụ cột kinh tế cho Năm ASEAN 2020 trên cơ sở các nguyên tắc: Các mục tiêu chung của ASEAN trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025; Quá trình hợp tác kinh tế của ASEAN trong thời gian qua, bao gồm các ưu tiên của ASEAN trong các năm trước; và Tính phù hợp với lợi ích của các nước ASEAN và Việt Nam.