Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên phải) và Tổng thống Indonesia Joko Wikodo tại Phiên họp kín thứ nhất. Ảnh: TTXVN |
Với chủ đề “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung,” các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ cùng bàn thảo những vấn đề quan trọng, thiết thân, nhằm tạo “động lực mới” cho tăng trưởng bền vững và liên kết khu vực, từ đó “vun đắp tương lai chung” là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Để cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đề xuất bốn hướng ưu tiên lớn, gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Những trọng tâm trên nhằm đáp ứng nhu cầu chung về khôi phục đà tăng trưởng và liên kết sâu rộng ở khu vực, góp phần hoàn tất các Mục tiêu Bogor và thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Được thành lập năm 1989, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 nền kinh tế thành viên, với mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế kỹ thuật, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Là một thị trường 2,8 tỷ dân, APEC hiện đóng góp gần 60% GDP và 49% thương mại toàn cầu.
APEC còn là nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn của thế giới. Hợp tác đồng thuận, không ràng buộc và tự nguyện cùng năng lực đổi mới, sáng tạo của các thành viên đã tạo cho APEC một sức sống bền bỉ và mạnh mẽ, giúp Diễn đàn giữ đà tăng trưởng, hợp tác và liên kết sau nhiều cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu.