Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN |
Tham dự Lễ khai mạc Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.
Với chủ đề "Phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu", Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham dự của khoảng 120 đại biểu từ các thành viên ASEM, chuyên gia của Liên hợp quốc và các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, gồm Văn phòng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNISDR), Chương trình về thông tin không gian cho quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (UNSPIDER), Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) và các tổ chức khu vực như Trung tâm giảm nhẹ thiên tai châu Á, Viện chuyển đổi xã hội và môi trường và Cơ quan phát triển của Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, bước vào thế kỷ 21, các thảm họa thiên nhiên trở nên khắc nghiệt hơn rất nhiều, gia tăng đột biến cả về tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng. Như Tuyên bố mới đây về khí hậu toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo, chỉ trong hơn một thập kỷ đầu thế kỷ này, thế giới đã chứng kiến mực nước biển dâng cao kỷ lục với tốc độ gấp đôi thế kỷ 20, bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, bão tuyết và giá rét, lốc xoáy, hạn hán, cháy rừng… gay gắt và kéo dài. Năm 2013 là một trong 10 năm có nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1850. Hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm thay đổi các hệ sinh thái, dẫn đến những diễn biến thiên tai bất thường.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, là diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 51 thành viên của hai châu lục Á - Âu với tiềm năng công nghệ và kinh tế đáng kể, ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung trong ứng phó thiên tai. Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận những kinh nghiệm điển hình, những bài học thực tiễn và chính sách hữu ích về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời đề xuất phương hướng, xác định các biện pháp cụ thể, những hoạt động thiết thực nhằm sớm triển khai hợp tác ASEM trong lĩnh vực này trên cơ sở định kỳ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần trao đổi, nghiên cứu khả năng sớm thiết lập mạng lưới kết nối các trung tâm, các viện nghiên cứu và các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai của các thành viên ASEM với nhau cũng như giữa hai châu lục và với các cơ chế khu vực và quốc tế. ASEM cần có hành động chung cụ thể và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai “Khuôn khổ hành động Hy-ô-gô” của Liên hợp quốc.
Trong bài phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao sự phối hợp của các thành viên ASEM, đặc biệt là các đồng sáng kiến.
Hội nghị đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Haiyan vừa qua.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/11 với 4 phiên họp toàn thể tập trung thảo luận về giảm thiểu rủi ro thiên tai và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, gắn kết nghiên cứu, chính sách và thực tiễn, sáng tạo trong việc xây dựng năng lực phục hồi, và tăng cường hợp tác Á - Âu trong ứng phó thiên tai.
Cùng với “Hội thảo ASEM về quản lý nguồn nước và lưu vực sông” (tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ngày 21 - 22/3/2013), “Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai” là hai hoạt động lớn của ASEM mà nước ta đăng cai tổ chức trong năm 2013, nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đại hội Đảng lần thứ XI.
Diễn đàn cũng là một trong 18 sáng kiến do nước ta đề xuất tại ASEM, góp phần đưa tiến trình hợp tác Á - Âu theo hướng thiết thực, hiệu quả, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
TTXVN/ Tin tức