Hội nghị có sự tham dự của 196 đoàn đại biểu từ các chính phủ và các tổ chức quan sát viên, cùng với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và 192 Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia.
Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Hành động hôm nay, tạo dựng cho ngày mai”. Mục tiêu của hội nghị và các phiên họp chuyên đề là nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại quan trọng và mang tính cam kết đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến Luật Nhân đạo quốc tế, Luật và Chính sách Thảm họa thích ứng với Biến đổi khí hậu đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau; khuyến khích Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia, với vai trò bổ trợ cho chính phủ trong lĩnh vực nhân đạo, tiếp tục tư vấn và hỗ trợ chính phủ để xây dựng và thực thi khung pháp lý và chính sách hiệu quả liên quan đến quản lý rủi ro thảm họa và thích ứng biến đổi khí hậu; nghiên cứu các cơ hội và thách thức về công nghệ và tạo dựng sự tin tưởng giữa các cộng đồng dễ bị tổn thương, các nhà tài trợ và công chúng. Hội nghị cũng sẽ thảo luận và đưa ra các giải pháp cụ thể về những thách thức đa dạng hiện nay như vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tham dự hội nghị, đoàn Việt Nam có các cuộc tiếp xúc và làm việc song phương với Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Chủ tịch Hiệp Hội và Tổng thư ký Hiệp Hội quốc tế, Chủ tịch và lãnh đạo một số Hội quốc gia đối tác như: Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Singapore, Saudi Arabia và một số Hội quốc gia khu vực Trung Đông; Việt Nam cũng sẽ chủ trì phiên họp bên lề của lãnh đạo các Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Đông Nam Á.
Tham gia Đại hội đồng, Hội đồng các đại diện và Hội nghị quốc tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ lần thứ 33 năm nay, đoàn Việt Nam, với vai trò là Hội quốc gia chủ tịch của cơ chế hội nghị lãnh đạo các Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Đông Nam Á trong năm 2020, sẽ thay mặt các Hội quốc gia khu vực Đông Nam Á phát biểu tham luận tại các phiên họp chính thức của Hội nghị, đóng góp trực tiếp vào các quyết định chủ trương, chính sách của Phong trào, về vấn đề tổ chức và hoạt động mang tính định hướng của Phong trào; với các nội dung cụ thể về vấn đề cộng đồng an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, Liên minh một tỷ với Liên minh ASEAN về tăng cường khả năng chống chịu, cam kết phát triển mạng lưới hoạt động nhân đạo trong khu vực; đóng góp và cam kết thực hiện Chiến lược 2030 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; tính đa dạng của Phong trào, và một số nội dung có liên quan khác; đồng thời chia sẻ về kinh nghiệm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các chương trình tiếp cận mới của Phong trào như Hỗ trợ tài chính dựa trên cảnh báo, cấp phát tiền mặt, hỗ trợ nhà ở.