Khoảng 90 đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên AIPA, Ban Thư ký AIPA cùng các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.
Dự và phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề thảo luận của Hội nghị “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”, thể hiện trách nhiệm, sự chủ động của AIPA trước những thách thức của khu vực trong bối cảnh mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện mỗi nước hiện nay. Theo đó, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là định hướng trung tâm, xuyên suốt trong cách mạng công nghiệp đang tăng tốc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: “Tại Đại hội đồng AIPA 43, chúng ta đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng với những giải pháp thiết thực để góp phần đạt được các mục tiêu chung của ASEAN. Hội nghị lần này là dịp để cùng nhìn lại, rà soát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết nói trên, đảm bảo các Nghị quyết đã được thực thi một cách hiệu quả, đi vào cuộc sống với sự song hành trên cả kênh lập pháp và hành pháp".
Trải qua 46 năm hình thành và phát triển, bước vào năm thứ 8 trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, Tổ chức AIPA đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện, trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, một nền kinh tế sôi động và hội nhập cao, một cộng đồng bao trùm, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, là đối tác tin cậy đối với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới.
Trong hành trình phát triển đó, các Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA với vai trò là những nhà lập pháp, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN đã và đang góp phần xây dựng nền tảng pháp lý chung cho ngôi nhà ASEAN, đưa AIPA trở thành hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác nội khối. Các Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN ứng phó với các khó khăn, thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát, tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân. Kết quả của sự hợp tác đó là minh chứng rõ ràng cho cam kết của AIPA đối với việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Nghị viện thành viên AIPA, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú của đất nước mình, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về các vấn đề quan tâm chung của AIPA/ASEAN và các nội dung liên quan đến chủ đề hội nghị; đóng góp cho Báo cáo của Hội nghị trình Đại hội đồng AIPA-44.
Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam truyền đi thông điệp mong muốn giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế về đất nước, con người, văn hóa và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; củng cố, thúc đẩy các mối quan hệ với nghị sỹ các nước thành viên AIPA, thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng hợp tác vì ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN và khu vực.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới, đặc biệt là AIPA. Qua đó, góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Quốc hội Việt Nam trong AIPA.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang giới thiệu về vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho tỉnh nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông - lâm - thủy sản, kinh tế biển, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch…
Theo đó, những năm qua, Kiên Giang đã có bước phát triển khá toàn diện trên các mặt. Năm 2022, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 7,7%, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt gần 5 tỷ USD (khoảng 116 nghìn tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 2.800 USD/năm (tương đương 66,24 triệu đồng). Nhiều năm liền, Kiên Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực khoảng 4,5 triệu tấn lúa/năm, sản lượng thủy sản hơn 800.000 tấn/năm. Đặc biệt, du lịch của tỉnh phát triển mạnh, với nhiều sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao, thu hút bình quân hơn 5 triệu lượt khách/năm. Năm 2022, tỉnh thu hút hơn 7,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó, gần 250.000 lượt khách quốc tế đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Phú Quốc thu hút 5,1 triệu lượt khách.
Tỉnh Kiên Giang tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác kinh tế, tỉnh đã ký kết hợp tác, hoạt động thương mại với 47 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. Với địa thế gần các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thuận lợi về giao thông hàng không, hàng hải, cùng với những tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, dịch vụ du lịch, tỉnh Kiên Giang mong muốn và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư phát triển trong thời gian tới.