Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị đã phối hợp tổ chức hội nghị với nhiều hoạt động liên quan nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp, đề xuất hữu ích cho công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải: Hội nghị quốc gia lần thứ XXI về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin không chỉ thuần túy về học thuật mà còn tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, các trường, viện trao đổi kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin.
Bộ Thông tin và Truyền thông hy vọng những lần tiếp theo, sự kiện sẽ thu hút sự quan tâm hơn nữa của các doanh nghiệp nhằm tạo nên một cộng đồng chia sẻ, tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tế.
Hội nghị được tổ chức thường niên đã trở thành diễn đàn lớn để các đại biểu công bố và trình bày các báo cáo khoa học về điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin...
Hội nghị năm 2018, Ban tổ chức đã nhận được 70 báo cáo khoa học từ các viện, trường và các tổ chức nghiên cứu khoa học; 56 báo cáo đã được chấp nhận, trong đó 33 báo cáo được trình bày trong 8 tiểu ban là Tiểu ban Mạng, Tiểu ban Anten và Truyền sóng, Tiểu ban Cảm biến và Ứng dụng, Tiểu ban Thông tin vô tuyến và Mã hóa, Tiểu ban IOT và Mạng cảm biến không dây, Tiểu ban Thông tin vô tuyến, Tiểu ban Xử lý tín hiệu và Thuật toán, Tiểu ban Đo lường và Tiêu chuẩn.
Các báo cáo nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu tham dự hội nghị lần này là: "IoT platform, nền tảng của Công nghiệp 4.0"; "Vai trò của AI trong kỷ nguyên 4.0"; "5G - Định hướng tương lai cho Cách mạng công nghiệp 4.0"; "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong các giải pháp an ninh, an toàn thông tin"; "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành điện tử, viễn thông cho kỷ nguyên số"; "Định hướng phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam - Các giải pháp và kiến nghị"...
Các đại biểu đều thống nhất rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển. Nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách, tăng cường đầu tư, phân bố hợp lý nguồn vốn để phát triển công nghệ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xem xét, thông nhất ban hành khung chính sách, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển, thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế.
Để hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cần chủ động tiếp cận công nghệ, có những thay đổi phù hợp với xu hướng chung của khu vực, thế giới…
Bên lề hội nghị còn có triển lãm một số sản phẩm tiểu biểu trong các lĩnh vực có liên quan do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển, tiếp cận công nghiệp 4.0...