Sáng 5/5, với chủ đề “Tương lai châu Á: Thách thức khu vực, trách nhiệm toàn cầu”, Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với sự tham dự của đông đảo của các Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Tài chính, các nhà doanh nghiệp, các diễn giả uy tín đến từ 67 nước thành viên ADB và nhiều tổ chức tài chính quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung cùng các đại biểu. Ảnh: TTXVN |
Tới dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến tham dự Hội nghị thường niên ADB lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, hội nghị sẽ là cơ hội để đánh giá đầy đủ, toàn diện về những nỗ lực hoạt động của ADB trong thời gian qua, quyết định phương hướng hoạt động cho thời gian tiếp theo với nhiều sáng kiến mới có hiệu quả vì mục tiêu hợp tác và phát triển, đồng thời tăng cường quan hệ giữa ADB và các nước thành viên cũng như với các đối tác phát triển và các bên liên quan khác. Phân tích những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với khu vực và toàn cầu, trong bối cảnh những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hội nhập và hợp tác khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng và bổ trợ lẫn nhau cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, bởi vậy cần tiếp tục xây dựng những sáng kiến, những nỗ lực hợp tác quốc tế thiết thực, phù hợp để cùng chung tay góp sức vượt qua những khó khăn và thách thức, trong đó cần bảo đảm tiếng nói và lợi ích cho những nước nghèo và đang phát triển, trong đó ADB cần đóng vai trò chủ động, tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy hội nhập, hợp tác thương mại và đầu tư ở khu vực, đóng góp thiết thực vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng hoan nghênh Hội đồng Thống đốc ADB đã lựa chọn những chủ đề rất thiết thực, có ý nghĩa để thảo luận tại Hội nghị thường niên lần này và mong đợi hội nghị sẽ có những quyết định quan trọng, cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của ADB; cam kết ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực các hoạt động do ADB khởi xướng vì mục tiêu phát triển một châu Á không đói nghèo. Thủ tướng cho biết: Nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng phát triển. Những thành tựu của 25 năm đổi mới (1986 - 2011) đã đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam đã hoàn thành và vượt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn và kịp thời của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, cả về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, ủng hộ và tư vấn chính sách. Tính đến tháng 3/2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục. Ghi nhận và đánh giá cao những hỗ trợ thiết thực của ADB dành cho Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam vui mừng luôn có một người bạn đồng hành là ADB; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ADB.
Thủ tướng nhấn mạnh: Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam xác định những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đột phá là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng hiện đại. Theo đó, Việt Nam đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Năm năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010, vì mục tiêu phát triển hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng hiện nay Việt Nam vẫn là một nước nghèo, trong chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, cùng với việc huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tọa Hội đồng Thống đốc đánh giá cao việc ADB quan tâm phát triển quan hệ đối tác công - tư, tăng cường hỗ trợ các nước thành viên trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng như vận tải, năng lượng, nước, các dịch vụ công cơ bản như chăm sóc y tế và giáo dục, phát triển công nghệ thân thiện với môi trường như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đồng thời cho rằng ADB cần khẳng định lại các cam kết của mình trong việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, cung cấp các nguồn lực cần thiết vì mục tiêu bảo vệ người nghèo thông qua tạo việc làm, đầu tư cho giáo dục, ngăn chặn rủi ro, hỗ trợ tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Theo Chủ tịch ADB Kuroda, châu Á có thể dẫn đầu và phát triển năng động, bền vững hơn nếu như dám đương đầu với các thách thức trung và dài hạn với một mục tiêu và quyết tâm mạnh mẽ. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nổi lên nhanh chóng nhưng phải đối mặt với các thách thức lớn về đói nghèo, bất bình đẳng, quá trình đô thị hóa nhanh, biến đổi của môi trường và khí hậu.
Chủ tịch ADB đã nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng sẽ khai mở tiềm năng của khu vực. Đó là phải có những nhà lãnh đạo kiệt xuất với khả năng điều hành quản trị đất nước; tăng thêm quyền cho người nghèo và có các thể chế đảm bảo sự bình đẳng và quyền công dân. Yếu tố quan trọng thứ hai là cần có một hệ thống tài chính vững mạnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (ước tính 750 tỷ USD/năm) và gần gũi hơn với người nghèo nhằm giúp họ có được cơ hội phát triển kinh tế, đối phó với các cú sốc về tài chính và có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục. Chủ tịch ADB cũng cho rằng châu Á cần học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các khu vực đang phát triển khác như châu Mỹ Latinh, tăng cường “hợp tác Nam-Nam” để thúc đẩy tăng trưởng khu vực châu Á, góp phần ổn định kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, để có được sự tăng trưởng bền vững, châu Á cần đầu tư vào đổi mới công nghệ và phát triển các doanh nghiệp; áp dụng một mô hình tăng trưởng xanh. Hợp tác và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ giúp châu Á nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức toàn cầu như giá cả hàng hóa tăng cao, thiếu hụt lương thực, nước sạch, năng lượng. Cuối cùng, châu Á cần thể hiện vai trò đầu tàu trong giải quyết những vấn đề nóng bỏng toàn cầu và cung cấp hàng hóa. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại chúng ta lại có thể kết nối cả khu vực và toàn cầu như hiện nay, do vậy phải tận dụng cơ hội này để đối phó với những thách thức chung.
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tiến hành phiên họp toàn thể đầu tiên.
Sự - Anh