Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á lần thứ 23 (23 rd Meeting of The ASEAN Directors – General
of Customs) đã chính thức khai mạc sáng 3/6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh
Lâm Đồng, với sự tham dự của gần 70 đại biểu gồm Tổng cục trưởng Hải
quan các nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Thư ký Tổ chức
Hải quan Thế giới, đại diện hải quan các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung
Quốc và một số tổ chức quốc tế.
Khai mạc Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23. Ảnh: mof.gov.vn |
Với chủ đề "Nghị
trình Hải quan mới cho cộng đồng ASEAN", hội nghị lần này nhằm thảo luận
và đưa ra các định hướng, kế hoạch hành động và chương trình công tác
của Hải quan các nước ASEAN trong giai đoạn 2016-2020.
Thời gian qua, Hải quan ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng
hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN như: Ký kết Hiệp
định Hải quan ASEAN; bước đầu tạo dựng các khuôn khổ pháp lý cho việc
thực hiện hệ thống quá cảnh ASEAN; thiết lập được cơ chế hải quan một
cửa quốc gia tại tất cả các nước ASEAN; xây dựng các khuôn khổ pháp lý
và kỹ thuật cho việc hình thành cơ chế một cửa ASEAN...
Giai đoạn 2014-2015 được coi là thời điểm quan trọng để chuyển sang
một giai đoạn mới của quá trình hợp tác, hội nhập và liên kết ASEAN -
giai đoạn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Giai đoạn này đòi hỏi phải xây
dựng và thực hiện một nghị trình hải quan mới phù hợp với bối cảnh và
cam kết ASEAN. Do vậy, hội nghị lần thứ 23 này sẽ rà soát các kế hoạch
chiến lược phát triển Hải quan ASEAN giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó,
các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN sẽ vạch ra đường hướng và xây dựng
chương trình nghị sự mới cho giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO)
Kunio Mikuriya đánh giá hội nghị là tín hiệu đáng mừng trong việc góp
phần nâng cao sự gắn kết nội khối giữa hải quan các nước ASEAN và kết
nối giữa Hải quan ASEAN với bên ngoài. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh
cho rằng, kết quả của hội nghị này là một bước quan trọng tiến tới xây
dựng cộng đồng chung ASEAN; hướng tới năm 2015 và các năm tiếp theo, các
hoạt động hợp tác Hải quan ASEAN phải đem lại những kết quả cụ thể hơn
nữa, đồng thời cần đẩy nhanh quá trình phát triển Hải quan ASEAN.
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải
quan ASEAN lần thứ 23 - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam
Nguyễn Ngọc Túc nhấn mạnh, đây là lần thứ ba Việt Nam đăng cai tổ chức
hội nghị sau các năm 1995 và 2004. Hội nghị không chỉ là trọng trách của
quốc gia thành viên mà còn là vinh dự lớn, thể hiện sự tin cậy của các
thành viên ASEAN đối với Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc
Túc cũng rất lấy làm tiếc cho biết, trong khi Hải quan ASEAN tiến hành
hội nghị với tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau thì từ
ngày 1/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải
Dương 981 cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào
vùng biển, thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam - một nước
thành viên ASEAN, và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong
thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm trên của
Trung Quốc là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đe dọa
trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông
và tự do thương mại trong khu vực Đông Nam Á.
Tổng
cục trưởng Hải quan Việt Nam kêu gọi các đồng nghiệp chia sẻ với quan
điểm của Việt Nam là cần giải quyết vấn đề này một cách hòa bình theo
luật pháp quốc tế.
Trao đổi với báo chí, Tổng thư ký WCO Kunio
Mikuriya cho rằng, sự việc căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông phần nào
ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông hàng hóa bằng đường biển qua khu vực
này. Ông Mikuriya tin rằng sự việc sẽ được các bên liên quan giải quyết
một cách hòa bình để đảm bảo an toàn hàng hải và thúc đẩy việc lưu thông
hàng hóa, tự do thương mại qua Biển Đông nói riêng và tuyến đường biển
châu Á – Thái Bình Dương nói chung, bởi đây là một trong những tuyến vận
chuyển hàng hóa huyết mạch của thế giới.
Hoàng Liên Sơn