Đây được xem là hội nghị "Diên hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận nhằm ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19 với các mục tiêu: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đánh giá sơ bộ về tình hình tăng trưởng kinh tế, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cho dù đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhưng GDP của Việt Nam trong quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, bằng hơn 1/2 so với kế hoạch đề ra, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất từ năm 2014 tới nay.
Trong quý I, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ trên nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, mất việc làm của người lao động trong ngắn hạn.
Chính phủ nhìn nhận, đây là giai đoạn suy thoái nặng nề nhất, thậm chí hơn cả năm 2008 và chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay. Việt Nam đã triển khai một số gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, như: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng)...
Ngoài ra, Chính phủ sẽ quyết liệt giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD vốn đầu tư công trong năm nay... Trong bối cảnh suy thoái hiện nay đặt ra những vấn đề cấp bách đối với sự phát triển của đất nước. Đây cũng là thời điểm rất hệ trọng và cần phải có những biện pháp cấp bách, các cơ chế, chính sách để duy trì hoạt động phát triển kinh tế bình thường, song song với các nỗ lực phòng chống dịch, bảo vệ đời sống an sinh xã hội.
Ngay bên lề hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá rất cao sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ; cũng như các giải pháp khá đồng bộ được đưa ra từ các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI bày tỏ quan ngại việc thực hiện các chủ trương chính sách như Chỉ thị 11, 16 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và thiếu nhất quán. Bởi đây là "nhiệm vụ kép" vừa ưu tiên chống dịch vừa phải quyết liệt, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp và rốt ráo như chống dịch. Vẫn có hiện tượng mỗi địa phương làm một kiểu. Trong khi, Thủ tướng Chính phủ quy định “không được ngăn sông, cấm chợ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh”, ông Lộc cho hay.
Đồng thời, chủ trương giãn, hoãn, giảm thuế, "bơm" tín dụng, giảm thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp... thì thực tế, lại có địa phương phát lệnh “cấm sản xuất”, “đóng cửa công trường”, ngăn không cho xe chở nguyên vật liệu và lao động ra vào tỉnh, thành… gây ách tắc cho sản xuất, ông Lộc phản ánh.
Trước tình hình như hiện nay, thay cho tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc kiến nghị Chính phủ, cho dù không thể mất cảnh giác, lơ là trước dịch bệnh nhưng Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương rà soát, dỡ bỏ ngay các quy định bất hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh (trừ những ngành, những lĩnh vực rất hạn chế phải ngừng hoạt động do yêu cầu chống dịch như hàng không, nhà hàng, du lịch...
Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương được tổ chức với kỳ vọng sẽ tạo thêm sinh khí và thể hiện quyết tâm mới của toàn hệ thống chính trị trong việc khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ trên mặt trận kinh tế nhằm bảo đảm đời sống cho người dân, cho doanh nghiệp và toàn xã hội.