Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ.
|
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh; lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo 63 Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố, cùng đông đảo đội ngũ những người làm báo phát thanh, truyền hình trên cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Từ năm 1975 đến nay, phát thanh tiếp tục là một loại hình báo chí truyền thông quan trọng và hiện đại trong đời sống báo chí sôi động của cả nước. Phát thanh luôn luôn là người bạn gần gũi với mọi người, mọi nhà, từ người lãnh đạo, quản lý đến người dân; từ người cao tuổi đến lứa tuổi thanh thiếu niên; từ người lao động bình dân đến giới trí thức, văn nghệ sỹ.
Bằng các hình thức truyền tải thông tin qua phát sóng, qua mạng internet, qua vệ tinh…, sóng phát thanh lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đến kiều bào và bè bạn bốn phương. Phát thanh Việt Nam ngày càng khẳng định là một kênh thông tin hết sức quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần thiết thực vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ; của cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương. Đồng thời là một diễn đàn rộng rãi, dân chủ, tiện lợi, là một người bạn tâm tình của công chúng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Công nghệ ngày càng phát triển đã thúc đẩy và làm đa dạng nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, làm thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất của phát thanh nói riêng và báo chí, truyền thông nói chung.
Do đó, những người làm phát thanh cả nước cần nắm bắt và tận dụng tối đa những tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật trong tác nghiệp, sản xuất, phát sóng chương trình và tương tác với công chúng. Đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tiếp cận người nghe đài, trên cả sóng phát thanh truyền thống và các nền tảng công nghệ mới.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh (thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo Trung ương, địa phương dự buổi lễ.
|
Để làm được điều này đòi hỏi các nhà quản lý, nhà báo, kỹ sư, kỹ thuật viên phải liên tục sáng tạo, học hỏi để nâng cao trình độ mọi mặt. Những người làm phát thanh cả nước phải luôn luôn khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân; truyền bá tri thức và nâng cao dân trí; vận động mọi tầng lớp trong xã hội chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những câu chuyện về khởi nghiệp; đổi mới, sáng tạo; chống tham những, lãng phí, tiêu cực; xây dựng nông thôn mới; xóa đói nghèo; bảo vệ chủ quyền biển đảo; mở mang thương mại, giao lưu quốc tế, những tấm gương vượt khó, những điển hình tiên tiến… được phát hàng giờ, hàng ngày trên sóng, ngoài giá trị thông tin còn có tác dụng to lớn là cổ vũ, khuyến khích, động viên mọi người cùng hành động thiết thực vì tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cho đất nước.
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII năm 2018 có sự tham gia của tất cả 63 Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố trong cả nước; 14 đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam; Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình và Điện ảnh Công an nhân dân; Ban Phát thanh Thanh - Thiếu nhi.
Tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XIII, có 216 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo. Trong đó có 31 chương trình tiếng dân tộc, 33 câu chuyện truyền thanh, 65 phóng sự, 53 chương trình tổng hợp và 34 chương trình trực tiếp.
Các chương trình dự thi đã phản ánh công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện chính sách dân tộc, đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.
Trước đó, để lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng Chung khảo, vòng Sơ khảo khu vực phía Bắc được tổ chức tại Thái Nguyên, miền Trung tại Bình Định và miền Nam tại Đồng Tháp.