Khai mạc Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong 5 ngày (10-14/3), phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để hoàn thiện một số dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Đây là những nội dung quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, giáo dục, văn hóa, kinh tế, nhà ở, bất động sản, quyền dân chủ, quyền thụ hưởng các cải cách hành chính trong điều kiện kinh tế thị trường...

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 26 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XIII. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi).

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân; phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 -2015 cần rà soát lại; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội tập trung chuẩn bị chu đáo các phiên họp Thường vụ Quốc hội (tháng 4 và 5) để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII - Kỳ họp quan trọng triển khai các công tác pháp luật, liên quan đến thi hành Hiến pháp nhằm bảo đảm đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh

Sau phiên khai mạc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: Luật Kinh doanh bất động sản ngày 29/6/2006 cùng với các luật về nhà ở, đất đai, đầu tư, xây dựng... đã tạo ra một hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, từng bước hội nhập quốc tế; thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước vào lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác cùng pháp triển...

Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai thi hành, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu pháp triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới và trong công tác quản lý Nhà nước. Vì vậy, Luật Kinh doanh bất động sản cần được sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Đối với phạm vi điều chỉnh của dự án luật, theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Kinh doanh bất động sản được xây dựng theo hướng loại trừ các giao dịch về nhà ở để thực hiện theo Luật Nhà ở. Luật Nhà ở (sửa đổi) được xây dựng theo hướng điều tiết toàn diện, đồng bộ các nội dung liên quan đến nhà ở từ vấn đề sở hữu nhà ở đến phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở và giao dịch về nhà ở (trong giao dịch về nhà ở đã có cả mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp nhà ở)...

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ nên quy định những đặc thù liên quan đến nhà ở. Đối với các giao dịch về mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản là nhà ở nên quy định trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Vì vậy, ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định này, tránh sự chồng chéo giữa hai Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng trong dự án luật có tới 8 nội dung giao Chính phủ và Bộ Xây dựng quy định chi tiết, đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật, tránh việc quy định nhiều ở những văn bản hướng dẫn thi hành.

Về quy định cho phép các doanh nghiệp được cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật (sửa đổi). Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của luật hiện hành, cụ thể là chỉ cho phép bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, không cho phép cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản trong thời gian qua, bởi có một thực trạng là hiện nay còn nhiều công trình xây dựng (cả cũ và mới) đều không có người sử dụng, gây lãng phí lớn.

Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực kinh doanh bất động sản; quy định rõ ràng mang tính nguyên tắc về trách nhiệm liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.


Phúc Hằng
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sẽ diễn ra từ 10-14/3

Theo Văn phòng Quốc hội, Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ 10 - 14/3 với nội dung chính là công tác xây dựng pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN