Sáng 29/6, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 41, cho ý kiến vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN |
Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Chất lượng xây dựng và giao dự toán ngân sách nhà nước chưa cao Cho ý kiến vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với cách đánh giá của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội và nhấn mạnh trong bối cảnh cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta và tiếp tục diễn biến phức tạp, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống nhân dân, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhóm giải pháp cấp bách với chính sách tài khoá, tiền tệ đặc thù cho năm 2009, chuyển từ mục tiêu kiềm chế lạm phát với chính sách tiền tệ thắt chặt sang mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế với chính sách tiền tệ nới lỏng, thận trọng, linh hoạt.
Nhờ việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế nước ta đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, ngăn chặn được suy giảm kinh tế. Đến cuối năm 2009, đầu năm 2010, kinh tế Việt Nam đã được phục hồi và tăng trưởng, vượt qua khủng hoảng tài chính, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đề ra.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, qua quyết toán NSNN năm 2009 vẫn còn một số tồn tại, đó là chất lượng xây dựng và giao dự toán NSNN còn chưa cao, thực tế nhiều khoản thu, chi có sự khác biệt đáng kể so với dự toán; công tác quản lý thu NSNN đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn nhiều hạn chế, nợ đọng thuế còn lớn, công tác thanh tra, kiểm tra về thu NSNN chưa thật sự được tăng cường, thậm chí còn giảm ở một số địa phương, tình trạng vi phạm nghĩa vụ nộp NSNN vẫn khá nhiều, các khoản tạm thu, tạm giữ chưa xử lý còn lớn.
Việc chấp hành các quy định về chi NSNN ở một số Bộ, ngành và địa phương, đơn vị còn chưa tốt, nhiều khoản chi tăng đột biến, một số khoản chi không hoàn thành dự toán ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra; kỷ luật tài chính được thắt chặt nhưng tình trạng sử dụng ngân sách cho vay sai quy định, tạm ứng kéo dài vẫn còn xảy ra ở một số địa phương và trong điều kiện bội chi NSNN và dư nợ Chính phủ ở mức khá cao, số chi chuyển nguồn sang năm sau lớn và tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả sử dụng nguồn NSNN...
Về đề nghị của Chính phủ cho quyết toán chi 28.574 tỷ đồng chuyển vốn ứng thành vốn cấp đối với các dự án đầu tư XDCB từ nguồn tăng bội chi ngân sách năm 2009, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai và một số Ủy viên đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội chấp thuận khoản chi này trong quyết toán NSNN năm 2009 do trong bối cảnh thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế thì việc tăng chi là cần thiết, Chính phủ mới cho tạm ứng tăng chi đầu tư XDCB nhưng chưa có nguồn để bù đắp...
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ đồng tình với cách đánh giá về công tác quản lý nguồn vốn, thu chi và kiến nghị của Ủy ban Tài chính và Ngân sách trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và cho rằng, Báo cáo thẩm tra cần tập trung vào các vấn đề về chính sách đầu tư, giao kế hoạch, việc chấp hành các quy định của Nhà nước không tốt như chi không đúng định mức nên các cơ quan phải xuất toán rất nhiều, sai phạm trong quản lý vi mô…
Còn nhiều băn khoăn về phạm vi điều chỉnh Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 39, Dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau khi tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý gồm 6 chương, 40 điều (Dự thảo Pháp lệnh cũ gồm 41 điều), tập trung vào các vấn đề phạm vi điều chỉnh; quản lý, sử dụng vật liệu nổ; nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; vấn đề cá nhân sở hữu súng, đạn.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cho rằng, một số vấn đề đã được UBTVQH cho ý kiến và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu ra tại phiên họp thứ 39 vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Cụ thể, tại phiên họp lần thứ 39, UBTVQH cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh là quá rộng, đề nghị thu hẹp theo hướng chỉ điều chỉnh về quản lý, sử dụng vũ khí cá nhân để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong thời bình, không điều chỉnh các loại vũ khí hạng nặng, hiện đại do Bộ Quốc phòng quản lý phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đối với vũ khí quân dụng, dự thảo bổ sung do Chính phủ trình vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh đối với việc quản lý, sử dụng tất cả các loại vũ khí quân dụng.
Chủ nhiệm Lê Quang Bình cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, dự thảo Pháp lệnh điều chỉnh chung đối với tất cả các loại vũ khí là không cần thiết, đề nghị Pháp lệnh này không điều chỉnh đối với các loại vũ khí hạng nặng, hiện đại do Bộ Quốc phòng quản lý. Pháp lệnh chỉ điều chỉnh đối với súng cầm tay hạng nhỏ, vũ khí hạng nhẹ, các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ và vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ quy định nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
Về phạm vi áp dụng, trong dự thảo bổ sung Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng không áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về trật tự, an toàn xã hội hoặc tình trạng chiến tranh.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh lại đề nghị tách quy định về áp dụng pháp luật thành một điều riêng và thể hiện: “Khi có tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia”. Về vấn đề này, một số Ủy viên bày tỏ băn khoăn đặt câu hỏi: trong tình trạng khẩn cấp, hay tình trạng chiến tranh có quy định cụ thể về phạm vi áp dụng không?; đồng thời đề nghị gộp cả hai nội dung trên vào Pháp lệnh để áp dụng cả trong chiến tranh và thời bình.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đồng tình với quan điểm của Chính phủ về thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và cho rằng nên để Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp với thực tiễn bởi có loại cần được quy định khắt khe hơn hay có loại chỉ cần quy định đơn giản hơn. “Không nên quy định cứng nhắc giao cho Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an cấp giấy phép...”, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nói./.
Nguyễn Bích Thủy