Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Naples Silvio Vecchione, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Turin Sandra Scagliotti, Ủy viên phụ trách các vần đề an ninh, pháp lý và nhập cư vùng Campania Mario Morcone, Phó Thị trưởng thành phố Naples Maria Filippone, đại diện các doanh nghiệp, học giả, báo chí sở tại cùng nhiều đại diện của cộng đồng người Việt Nam, gia đình có con nuôi Việt Nam tại Italy.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ nhấn mạnh mối quan hệ chính trị tốt đẹp, không ngừng được củng cố giữa Việt Nam và Italy đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, chống biến đổi khí hậu và hợp tác địa phương giữa hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Italy tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Italy là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) với tổng kim ngạch trao đổi hằng năm đạt khoảng 5 tỷ USD.
Bên cạnh việc thường xuyên duy trì các cơ chế tham vấn song phương, hai bên đã ký kết và đang triển khai rất nhiều dự hợp tác trên đa dạng các lĩnh vực. Đặc biệt, sự giúp đỡ lẫn nhau một cách thiết thực, kịp thời trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thời gian qua là những minh chứng cụ thể cho tình hữu nghị bền vững, chân thành giữa hai nước. Trong bối cảnh đó, Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam được chính thức khai trương tại Naples sẽ trở thành ngôi nhà Việt Nam để giúp bạn bè, doanh nghiệp Campania hiểu hơn về Việt Nam, góp phần tăng cường trao đổi, hợp tác ngày càng năng động giữa hai nước, đồng thời mang đến sự hỗ trợ cần thiết cho mọi công dân Việt Nam tại vùng này.
Tại buổi lễ, đại diện chính quyền vùng Campania và thành phố Naples đều nhấn mạnh tiềm năng hợp tác phong phú giữa vùng Campania với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam. Vốn sở hữu nhiều di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, vùng Campania là một trong 20 điểm đến hàng đầu về du lịch tại châu Âu, mỗi năm đón tiếp khoảng 8 triệu lượt khách.
Trong khi đó, cảng Naples nằm tại thủ phủ vùng Campania là một trong những hải cảng lớn nhất ở châu Âu và khu vực Địa Trung Hải. Trên lĩnh vực giáo dục, Đại học phương Đông Naples được thành lập từ thế kỷ 18 là một cơ sở đào tạo nổi tiếng ở miền Nam Italy, đã và đang tiếp nhận nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh từ Việt Nam. Do đó, Phó Thị trưởng thành phố Naples Maria Filippone hy vọng Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Campania sẽ đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa Naples với các đối tác Việt Nam, qua đó góp phần củng cố và tăng cường mạng lưới các đối tác quốc tế của thành phố cũng như của vùng Campania.
Bày tỏ niềm vinh dự khi trở thành Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Naples, ông Silvio Vecchione cam kết sẽ thực hiện tốt vai trò đại diện, tích cực giới thiệu và quảng bá về Việt Nam; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giao lưu nhân dân, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại vùng Campania và Italy nói chung.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phối hợp với Phòng Thương mại Italy - Việt Nam, Hiệp hội Các phòng thương mại Italy tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Quốc tế hóa: Cầu nối giữa Campania và Việt Nam”. Hội thảo dưới sự điều phối của nhà báo Angelo Cirasa tập trung thảo luận cách thức phát huy tiềm năng hợp tác, đầu tư cho các doanh nghiệp vùng Campania và Việt Nam.
Sau những chia sẻ trải nghiệm thực tế của Lãnh sự danh dự Vecchione tại Việt Nam, Tham tán Công sứ Thương mại Nguyễn Đức Thanh đã giới thiệu chi tiết về triển vọng phát triển kinh tế và cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam đến các đối tác Campania. Một số tham luận của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, nhà nghiên cứu Italy đi sâu phân tích thành công trong quá trình đổi mới của Việt Nam, nêu bật những cơ hội lớn được tạo ra từ Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU, đồng thời chú ý làm rõ những khía cạnh về quy định, pháp lý khi hoạt động tại Việt Nam.