Khẩn cấp cứu mũi Cà Mau

Trước thực trạng mũi Cà Mau nằm trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đang bị sạt lở nghiêm trọng và biến dạng, tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng bờ kè phía biển Đông nhằm ngăn chặn sạt lở, khẩn cấp cứu mũi đất thiêng liêng này.

Theo đó, bờ kè dài trên 1 km được thi công theo kết cấu kỹ thuật đóng 2 hàng cột bê tông ly tâm chạy dài song song và cách nhau 1,5 m, sau đó thả đá vào giữa, vừa hạn chế sóng biển đánh sạt lở, vừa hình thành bãi ngầm để cây mắm, cây đước bám rễ phát triển, tạo nên rừng phòng hộ mũi Cà Mau. Dự án bờ kè đang khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành trong quý III/2011, trước khi bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc xây dựng bờ kè này chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng sạt lở mũi Cà Mau hiện nay. Về lâu dài, tỉnh Cà Mau trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, các bộ, ngành chức năng trung ương về một mô hình dự án, vừa chống sạt lở mũi Cà Mau hữu hiệu, bền vững, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho vùng mũi đất Cà Mau.

Trước đây cũng như hiện nay, mũi Cà Mau chịu áp lực, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhưng chính quyền và người dân vẫn thiếu những biện pháp bảo vệ đồng bộ kịp thời để đối phó với hiện tượng thiên nhiên nhiều bất lợi đó. Điều dễ thấy là con lộ bê tông chạy dọc theo mũi đất mấy năm trước đây đã bị sóng đánh văng khỏi đất liền; một con đường mới tiếp tục xây dựng sâu trong đất rừng nhưng hiện nay nước đã chạm vào mặt lộ, sạt lở đến tận mé lộ; chân lộ bị xâm thực nặng nề, mặt đường loang lở những “ổ trâu, ổ gà”. Những căn nhà nghỉ mát phục vụ khách du lịch ngắm biển đứng chơ vơ trước biển như không còn điểm tựa, cầu thang của nó chạm vào mặt nước, du khách không còn lên xuống được. Thảm rừng phòng hộ nơi đây đã mất từ lâu, không còn bảo vệ được mũi đất, làm biến dạng mũi Cà Mau.


Lê Huy Hải
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN