Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Trần Minh Khôi, Bí thư thứ nhất phụ trách bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về một số nạn nhân là người Việt Nam, Đại sứ quán đã kịp thời báo cáo về Bộ Ngoại giao và thông tin tới các đơn vị liên quan ở trong nước để xác minh thông tin về 12 thuyền viên và thân nhân gia đình của họ. Đại sứ quán cũng đã trò chuyện trực tiếp, hỏi thăm và động viên 7 thuyền viên Việt Nam bị thương. Đối với 5 thuyền viên Việt Nam tử vong, Đại sứ quán đã và đang hỗ trợ các thủ tục giấy tờ, phối hợp với phía bạn để đẩy nhanh việc cấp thị thực cho đại diện công ty Việt Nam có các thuyền viên trên sang Jordan làm các thủ tục hậu sự và hỗ trợ những người bị thương.
Theo ông Trần Minh Khôi, 7 thuyền viên bị thương đã được điều trị và theo dõi sức khỏe tại bệnh viện. Sức khỏe của họ đang dần hồi phục và hiện đã xuất viện về khách sạn ở Jordan để nghỉ dưỡng. Đại sứ quán sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Jordan và hỗ trợ tối đa cho đại diện công ty lao động Việt Nam để xử lý vụ việc và triển khai các hoạt động bảo hộ công dân
Theo hãng thông tấn nhà nước Petra của Jordan, Thủ tướng Jordan Bishr Khasawneh ngày 29/6 cho biết nhà chức trách nước này đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ rò rỉ khí độc tại cảng Aqaba để có được kết quả đầy đủ, đồng thời khẳng định kết quả điều tra sẽ được công bố một cách minh bạch và khách quan.
Theo giới chức Jordan, sự cố xảy ra ngày 27/6 tại cảng Aqaba trên Biển Đỏ của nước này khi cần cẩu đang bốc xếp các bồn chứa khí độc chlorine lên tàu hàng để chuyển đến Djibouti. Một bồn chứa nặng hơn 20 tấn bị rơi từ cần cẩu và vỡ, khiến khí độc chlorine màu vàng phát tán ra môi trường xung quanh, làm ít nhất 13 người thiệt mạng và 250 người bị thương.
Tại cuộc họp Nội các ngày 29/6, ông Khasawneh cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng và chúc những người bị thương chóng bình phục. Ông nói thêm tất cả các nỗ lực giải quyết sự cố đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo và giám sát của Quốc vương Abdullah II và Thái tử Al Hussein bin Abdullah II.