An Giang có tuyến biên giới dài hơn gần 100 km, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch tiếp giáp biên giới nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ ngoài vào An Giang là rất cao.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị đã thảo luận xoay quanh các các nguy cơ xảy ra dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; những giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới; đồng thời nêu lên những hạn chế, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch thời gian tới.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 vào tỉnh An Giang có thể phát sinh từ tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép qua khu vực biên giới, từ người dân An Giang đi từ vùng dịch về hoặc từ khách du lịch đến An Giang. Do đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở, sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Đặc biệt, công tác quản lý, giám sát người nước ngoài, người từ nước ngoài trở về, người dân An Giang trở về từng vùng có dịch và khách du lịch đến An Giang phải được tăng cường, kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, toàn hệ thống chính trị và người dân khởi động lại hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; chấp hành nghiêm các cấp độ phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời nâng cấp độ dự phòng lên một mức so với thực tế hiện nay của tỉnh. Các địa phương cần nắm chắc diễn biến dịch và các đối tượng trên địa bàn quản lý để có phương án phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong phòng, chống dịch bệnh ở địa phương, đơn vị mình quản lý. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị nhân lực, vật lực, tài lực cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt ở các cơ sở y tế, cơ sở cách ly, chốt biên giới và trang thiết bị cần thiết cho người dân”, bà Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các địa phương nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất- kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội… trong điều kiện phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tổ chức các sự kiện và Đại hội Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh trong thời gian tới.
* Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long họp bàn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh, hiện tỉnh đang theo dõi sức khỏe 462 người từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Thành phố Hồ Chí Minh trở về lưu trú trên địa bàn từ ngày 18/7/2020 đến nay, trong đó có 9 trường hợp được giám sát sức khỏe tại khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, 453 trường hợp được theo dõi sức khỏe tại nhà. Qua rà soát, ngành Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm đối với một trường hợp, kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động 19 đội phản ứng nhanh chống dịch, thành lập 9 khu cách ly tập trung có quy mô tiếp nhận cùng một thời điểm là 1.170 người với 562 cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng bộ đội, công an.
Tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành, các cấp và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân đã đến các tỉnh, thành có dịch hoặc nguy cơ cao về dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế trở về địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 8/7/2020 đến nay phải thực hiện khai báo y tế.
Đặc biệt, kể từ 13 giờ ngày 31/7, tỉnh Vĩnh Long áp dụng biện pháp không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân tạm hoãn tổ chức hoặc hạn chế số lượng người mời dự các đám, tiệc; tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng.
Tỉnh tăng cường quản lý người lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các cơ sở có sử dụng nhiều lao động phải chủ động tổ chức lại bữa ăn trưa và ăn giữa giờ cho người lao động, đảm bảo thời gian, khoảng cách phù hợp để hạn chế tập trung đông người tại cùng một thời điểm, một địa điểm.