Chiều 15/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn để chủ động ứng phó với cơn bão số 4 dự báo sẽ gây ra mưa rất to tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường chủ trì buổi họp.
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào lúc 13 giờ chiều 15/8, tâm bão số 4 ngang với Quảng Ninh - Hải Phòng, cách bờ khoảng 420 km, gió mạnh cấp 9, giất cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam.
Khoảng 10 giờ ngày 17/8 (thứ Sáu) tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, gió cấp 8; sau đó di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn để chủ động ứng phó với cơn bão số 4. Ảnh: H.V
|
Về mưa, từ đêm 15/8 (thứ Tư) đến ngày 17/8 (thứ Sáu) ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250 - 350 mm/đợt).
Từ ngày 16 - 17/8 đỉnh lũ trên sông Đà (báo động 1 - 2); sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Bưởi có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3.
8 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã ban hành công điện chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ, 2 tỉnh họp ban chỉ huy (Hải phòng, Nam Định); 4 tỉnh đã cử đoàn công tác xuống cơ sở (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa).
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Mưa sẽ tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Đây là khu vực có nhiều tàu thuyền ven biển hoạt động, các khu kinh tế du lịch hoạt động mạnh; hệ thống đê điều, hồ đập đã trải qua gần 2 tháng mưa lũ; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất lũ quét ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc.
Đối với tuyến biển, theo Bộ Tư lệnh bộ đôi biên phòng, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 36.314 phương tiện/137.774 người; 11.378 lồng bè, lều, chòi canh/14.706 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Hiện có 5.347 phương tiện/29.320 người đang hoạt động trên biển và 30.967 phương tiện/108.454 người neo đậu tại bến (các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình). Tất cả 7 tỉnh ven biển đến nay vẫn chưa có lệnh cấm biển.
Bộ Tư lệnh bộ đôi biên phòng yêu cầu tăng cường thông tin, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền khai thác hải sản, tàu vận tải, tàu du lịch, lồng bè... về nơi trú tránh bảo đảm an toàn. Chủ động thực hiện cấm biển, đặc biệt đối với hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đối với hệ thống đê biển, cầu cảng, đường giao thông, khu công nghiệp ven biển, hầm lò, hồ chứa bùn thải, yêu cầu các tỉnh đảm bảo an toàn cầu cảng (Quảng Ninh, Hải Phòng), hầm lò, khu vực khai thác khoảng sản, hồ chứa bùn thải; sẵn sàng máy bơm để chống ngập úng khu đoạn đường tại Đèo Bụt ở Quảng Ninh.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, chủ động cấm một số phương tiện di chuyển khi bão đổ bộ trên các cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh); cầu Tân Vũ (Hải Phòng); đảm bảo an toàn khu công nghiệp VINFAST (Hải Phòng).
Đối với khu vực trên đất liền, tổ chức chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây và sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, khu vực ngập sâu ven sông, ven biển; đảm bảo an toàn ứng phó với ngập úng, sạt lở khu đô thị; theo dõi sát diễn biến mưa, mực nước tại các khu vực thấp trũng để chủ động phòng tránh. Đặc biệt đảm bảo đời sống, sinh hoạt và môi trường khu vực Chương Mỹ.
Về vấn đề sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi. Đất đã bão hoà nước và nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra, nếu xảy ra mưa lớn. Trong những trận lũ, lũ quét, sạt lở đất (cuối tháng 6 và tháng 7) đã làm 527 nhà bị sập, đổ; sau năm 2017, hiện vẫn còn 3.589 hộ dân tại 7 tỉnh không có chỗ ở đảm bảo an toàn cần phải di dời.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu triển khai ngay các lực lượng xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát, hướng dẫn di dời dân cư hiện đang sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Canh gác, cắm biển cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ cao. Sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo sinh hoạt tại các vùng thiên tai.
Với hệ thống đê điều, tổ chức tuần tra, canh gác, sẵn sàng xử lý giờ đầu sự cố đê điều, nhất là với 106 vị trí bị sự cố vừa qua và các trọng điểm như cống Liên Mạc, Tắc Giang, Liêm Nghĩa, tràn Lạc Khoái. Sẵn sàng phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, ứng phó một số khu vực tràn đê.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai sẽ thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau bão. Đề xuất có 3 đoàn: Đoàn 1, kiểm tra Quảng Ninh, Hải Phòng. Đoàn 2, Kiểm tra Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa. Đoàn 3, Kiểm tra hệ thống đê sông.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Trong đó đặc biệt bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện.