Trong khuôn khổ hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, sáng 27/5/2016, tại tỉnh Mie (Nhật Bản) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Trudeau là nhà lãnh đạo thứ hai của Canada thăm chính thức Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, sau chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của cựu Thủ tướng Jean Chrétien cách đây 23 năm.
Trong những năm gần đây, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tích cực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển.
Theo số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 3,6 tỷ dollar Canada (CAD, tương đương gần 2,9 tỷ USD), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 2,95 tỷ CAD (hơn 2,3 tỷ USD). Đáng chú ý, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam với Canada đều tăng, lần lượt 5,3% và 109,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, kể từ năm 2015, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kim ngạch thương mại song phương đạt gần 5,5 tỷ CAD (4,3 tỷ USD) năm 2016, tăng so với 4,7 tỷ CAD (3,6 tỷ USD) năm trước đó.
Hai nước đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ đưa chỉ số này lên mức 10 tỷ CAD (7,8 tỷ USD). Hiện Canada đầu tư gần 5,3 tỷ CAD (4,1 tỷ USD) vào Việt Nam với 149 dự án, đứng thứ 14 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước thời gian qua là nền tảng quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
Việc Việt Nam là nước chủ nhà APEC 2017, một diễn đàn quan trọng trong thúc đẩy tự do hoá thương mại, cũng sẽ mở ra các cơ hội hợp tác mới cho hai nước trong việc định hình, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước theo hướng toàn diện, hiệu quả, thực chất, ổn định và lâu dài.
Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau cam kết xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và mở rộng giao thương với toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những thị trường ưu tiên của hàng hóa nông sản và lương thực của Canada. Canada cũng khẳng định tiếp tục duy trì Việt Nam trong số các nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, môi trường, phát triển bền vững, phát triển nông thôn mới.
Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, Việt Nam là nước có lượng du học sinh tại Canada đông nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện có hơn 5.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Canada. Những năm gần đây, Canada đẩy mạnh quảng bá giáo dục và hợp tác với các cơ sở giáo dục của Việt Nam nhằm tăng cường thu hút du học sinh Việt Nam. Hiện Canada có 2 - 3 trường đại học và cao đẳng muốn mở trường quốc tế và trường song ngữ ở Hà Nội cùng các thành phố khác. Đây là điều kiện để thúc đẩy ngoại giao nhân dân, tăng cường hiểu biết giữa hai nước.
Mặc dù cơ hội hợp tác đang rộng mở, nhưng tổng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Việc làm sâu sắc quan hệ thương mại song phương sẽ giúp hai nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, tăng việc làm và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho các hộ nông dân.
Tuy Canada không có các tập đoàn kinh tế lớn như Mỹ hay một số nước, nhưng thế mạnh của Canada là ngành dịch vụ. Đối tượng mà các công ty Canada có thể hợp tác là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Gần đây, Canada nổi lên là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới, tập trung phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh...
Riêng về startup, Canada đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ cách đây hơn 20 năm. Startup Canada được thành lập năm 2012 với chiến lược đẩy mạnh hoạt động quảng bá ra bên ngoài để tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, Canada cũng tìm kiếm các startup tiềm năng tại nhiều nước trên thế giới để hỗ trợ đầu tư, phát triển.
Tính đến nay, Startup Canada đã cố vấn cho hơn 20.000 người Canada, đại diện cho hơn 80.000 doanh nghiệp, 400 đối tác hỗ trợ doanh nghiệp, 300 tình nguyện viên và 20 cộng đồng Startup trên thế giới. Vì vậy, Startup Canada sẽ là một đối tác tiềm năng của Việt Nam, nhất là khi Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng lĩnh vực khởi nghiệp. Năm 2016 vừa qua được Chính phủ Việt Nam chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, tạo tiền đề vươn tới mục tiêu năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, thông qua đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Theo đánh giá của báo chí Canada, với dân số hơn 90 triệu người (lớn thứ 14 trên thế giới), nền kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 6-7%/năm (thuộc nhóm cao nhất thế giới) và sự nổi lên rõ rệt của tầng lớp trung lưu trong những năm gần đây, Việt Nam đang được coi là thị trường đầy tiềm năng và cơ hội cho các nhà sản xuất của Canada, nhất là nông sản. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Nông sản Canada, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông hải sản của Canada sang thị trường Việt Nam có thể lên tới 190 triệu CAD (gần 150 triệu USD) mỗi năm.
Ngoài ra, là nước chủ nhà năm APEC 2017, Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới; mà còn là dịp để các ngành, địa phương của Việt Nam giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của mình đến các đối tác APEC, trong đó có Canada, qua đó tăng cường hợp tác và thu hút các nguồn lực phát triển.
Chính vì thế, chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự các hoạt động trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 của Thủ tướng Canada Justin Trudeau chính là cơ hội "vàng" để hai nước, nhất là các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp đánh thức những tiềm năng hợp tác, nỗ lực đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới, đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn đa phương vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.