Diễn ra tại khách sạn Sokha ở thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) với khẩu hiệu “ASEAN hành động - Cùng ứng phó các thách thức chung”, AMM-55 là sự kiện trực tiếp quy mô nhất được tổ chức ở đất nước Chùa Tháp trong 2 năm trở lại đây, kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đã nhấn mạnh tinh thần thống nhất và đoàn kết mạnh mẽ, hướng tới hoàn thành mục tiêu chung của ASEAN. Ông chia sẻ: “Cuộc gặp gỡ của chúng ta tại đây, vào thời điểm này cho thấy thành công của chúng ta trong nỗ lực vươn lên từ cuộc khủng hoảng và tác động tiêu cực của nó đến sức khỏe cộng đồng, xã hội, kinh tế và cuộc sống thường nhật của người dân”.
Trong các phiên làm việc của AMM-55, ngoại trưởng các nước ASEAN và các nước đối tác, đối thoại một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều thách thức an ninh trong khu vực và trên thế giới như vấn đề Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên, xung đột Ukraine... Những diễn biến cũ và mới của tình hình khu vực và thế giới, gánh nặng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar cùng với nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi Chủ tịch ASEAN 2022, các thành viên trong khối và các đối tác phải nỗ lực nhiều hơn, cảm thông nhiều hơn để vượt qua thách thức trong thách thức, hoàn thành nội dung chương trình nghị sự, đúng theo tinh thần “ASEAN cùng hành động giải quyết thách thức” của hội nghị.
Ngày 6/8, đánh giá về kết quả hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn cho biết AMM-55 và các cuộc họp liên quan đã kết thúc thành công, với khoảng 30 văn kiện về hợp tác khu vực. Về đại dịch COVID-19, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN khuyến khích việc vận hành hiệu quả Kho Dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Hội nghị cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ phục hồi kinh tế và cải thiện sự ổn định và khả năng phục hồi của khu vực.
Về kinh tế, ASEAN quyết tâm đảm bảo việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhằm nâng cao sức hấp dẫn của ASEAN về thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu". Trong thông cáo chung của AMM-55 được công bố ngày 5/8, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nêu rõ: "RCEP sẽ đóng góp đáng kể vào chiến lược phục hồi của chúng ta và tiếp tục hỗ trợ một cấu trúc thương mại và đầu tư rộng mở và toàn diện trong khu vực".
Trong chừng mực nào đó, AMM-55 đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm khi nhanh chóng ra tuyên bố về những vấn đề nổi cộm của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Cụ thể, tuyên bố yêu cầu các bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình, xây dựng trên cơ sở nguyên tắc và luật pháp được công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, xúc tiến thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo Đại sứ Vũ Hồ, quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam tại AMM-55 và các hội nghị liên quan, trên tinh thần đối thoại thẳng thắn và thực chất, ASEAN và các đối tác đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề cùng quan tâm ở khu vực và thế giới như Biển Đông, Myanmar, Triều Tiên, Ukraine và Eo biển Đài Loan. Qua đó, khẳng định vai trò và giá trị chiến lược của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tạo diễn đàn để các nước trao đổi quan điểm của nhau, góp phần nâng cao hiểu biết, thu hẹp khác biệt và thúc đẩy lòng tin.
Quyền Trưởng SOM Việt Nam tại AMM-55 khẳng định Thông cáo chung AMM-55 đã phản ánh các nội dung thảo luận, thể hiện đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm của ASEAN, đúng như tinh thần chủ đề của năm Chủ tịch 2022 là “ASEAN hành động - Cùng ứng phó các thách thức chung”.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhà báo Puy Kea, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Campuchia nhận định ASEAN đã làm được nhiều trong việc xây dựng đối tác. Theo ông, là một tập hợp của 10 quốc gia với tổng dân số lên đến trên 600 triệu người và nền kinh tế quy mô lớn, ASEAN phải giữ vai trò trung tâm trong quan hệ với nước lớn, và phải thể hiện vai trò đó thông qua mở rộng quan hệ đối tác, thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các đối tác. Ông nhấn mạnh: “Theo thời gian, ASEAN đã liên tục mở rộng đối tác, đối tác đối thoại, ngày một lớn dần, từ 27 nước trước đây tăng dần lên nước tham gia như hiện nay”.
Các hoạt động của đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu trong khuôn khổ AMM-55 cũng thể hiện rõ quan điểm đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, giá trị của đối thoại và hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác và giữa các quốc gia, cũng như tinh thần đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm của các thành viên ASEAN. Tại tất cả các hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, kêu gọi kiềm chế, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Bộ trưởng cùng những người đồng cấp các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, kêu gọi xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình và ổn định, tiếp tục thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thông tin về các cuộc họp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng bộ trưởng các nước ASEAN với Mỹ, Ấn Độ, Australia, Canada, New Zealand, Nga và Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ AMM-55 và các hội nghị liên quan, bài viết phiên bản tiếng Khmer của Thời báo Khmer ngày 5/8 nêu rõ các bộ trưởng đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam; đề xuất một số biện pháp như trao đổi đoàn, tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại, khôi phục giao lưu nhân dân. Theo bài viết, các nước nhấn mạnh một số lĩnh vực hợp tác như tài chính, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…”.
Với nỗ lực của nước chủ nhà Campuchia và các bên tham dự, AMM-55 và các hội nghị liên quan đã cơ bản hoàn thành các nội dung chương trình nghị sự, tập trung vào định hướng phát triển cho ASEAN sau 2025, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy phục hồi, phát triển tiểu vùng, cũng như ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Kết quả của AMM-55 đã khẳng định rõ nét tinh thần “ASEAN hành động - Cùng ứng phó các thách thức chung”.