Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời đề nghị, tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai của Ban Chỉ đạo các cấp nhanh chóng, bài bản. Địa phương tiếp tục hoàn thiện các phương án sơ tán, ứng phó để phổ biến cho người dân và các cơ quan, tổ chức về các phương án phòng, chống ngập lụt, mưa bão (trong đó chuẩn bị tốt nguồn dự trữ thuốc men); nơi tránh trú thiên tai cho người dân cần phải chi tiết, cụ thể hơn.
Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ nghiên cứu, quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền rõ ràng, phân chia ô đậu đến từng tàu cụ thể; đồng thời, xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả về cháy nổ, an ninh trật tự, rò rỉ dầu…
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cần tích hợp thêm hệ thống bản đồ số chuyên ngành về giao thông, hàng hải, khu ăn ở khi sự cố xảy ra nhằm phục vụ tốt hơn công tác ứng phó thiên tai; triển khai công tác phối hợp tác chiến giữa các lực lượng khi có thiên tai xảy ra; có phương án thông tin liên lạc dự phòng khi bão lũ xảy ra. Hệ thống cảnh báo trên tàu của ngư dân cần được nâng cấp. Các địa phương kiểm tra lại lực lượng, phương tiện nhằm phục vụ tốt hơn công tác ứng phó thiên tai.
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, công tác chuẩn bị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Tuy nhiên, lực lượng chính tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn tập trung chủ yếu trong bộ đội và công an. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, lực lượng tại cơ sở cần được huấn luyện để chuẩn bị cho các kịch bản khẩn cấp và một số công trình cần đầu tư hỗ trợ.
Để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa đề nghị cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là thủ tục hỗ trợ lồng bè trên biển. Trên cơ sở Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 đã được Quốc Hội ban hành vào ngày 20/6/2023, địa phương kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, ban hành các hướng dẫn cụ thể về biên chế đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống thiên tai các cấp, góp phần tạo bộ máy chuyên nghiệp, nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó thiên tai.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa đề nghị, Ban Chỉ đạo xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí để đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại thôn Bình Tây, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa có sức chứa 500 tàu, dự kiến mức kinh phí đầu tư 150 tỷ đồng.
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 6 đợt mưa lớn diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt, đợt mưa lớn kết hợp lốc xoáy diễn ra từ ngày 30/3 đến 4/4/2022 đã gây thiệt hại về tàu thuyền, diện tích sản xuất lúa, hoa màu và một số công trình nhà ở, giao thông, thủy lợi tại các địa phương. Tổng thiệt hại ước tính hơn 250 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã trích hơn 300 triệu đồng từ Quỹ Trợ giúp nhân đạo Khánh Hòa để hỗ trợ 30 gia đình có tàu thuyền bị ảnh hưởng lốc xoáy trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Từ nguồn ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đã phân bổ 20 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện khắc phục các công trình bị hư hỏng, thiệt hại do mưa lũ gây ra…
Trước đó, chiều 15/8, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang. Đây là cảng cá lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ; có năng lực tiếp nhận cùng lúc 30 tàu trên 15 m, bốc dỡ hàng hóa 25.000 lượt tàu/năm, tổng sản lượng thủy hải sản qua cảng 20.000 tấn/năm. Những năm qua, cảng còn là nơi neo đậu, tránh trú bão cho 1.500 tàu cá của Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.