Biển lưu niệm được xây dựng bằng nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của gia đình cụ Trịnh Bá Vỹ và 2 người con của cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cùng bà con trong chi họ Trịnh.
Theo tài liệu do gia đình cụ Trịnh Bá Vỹ cung cấp, vào năm 1936, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương làng Yên Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) đã được thành lập tại địa chỉ này. Từ năm 19 đến năm 1945, ngôi nhà cụ Trịnh Bá Vỹ cũng được sử dụng làm trụ sở bí mật của Xứ ủy Bắc kỳ và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tại ngôi nhà này, trong suốt thời gian từ năm 1936 đến năm 1945, nhiều đồng chí lãnh tụ, lãnh đạo tiền bối của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy Bắc kỳ như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Vương Thừa Vũ, Hoàng Ngân... đã thường xuyên qua lại, ở và làm việc.
Ông Trịnh Bá Uy, chắt nội của cụ Trịnh Bá Vỹ cho biết, gia đình mong muốn Đảng và Nhà nước công nhận ngôi nhà là Di tích lịch sử cách mạng. Để gìn giữ những kỷ vật, con cháu trong gia đình sẽ dành 2 phòng để trưng bày và bảo quản. Năm 2002, với khoản tiền hỗ trợ cải tạo nhà ở lão thành cách mạng và tiền của con cháu đóng góp, gia đình đã đại tu, phục dựng lại ngôi nhà gần như nguyên mẫu cổ xưa, trên nền nhà cũ đã có từ giữa thế kỷ XIX, bị giặc đốt phá vào năm 1952.
Hiện gia đình cụ Trịnh Bá Vỹ còn lưu giữ được nhiều tư liệu và hiện vật liên quan đến hoạt động cách mạng. Đó là chiếc phản gỗ, ghế gỗ các đồng chí lãnh tụ của Đảng đã sử dụng để ngồi họp, nghỉ ngơi trong thời gian ở tại ngôi nhà.
Nhiều hiện vật liên quan đến nhà cụ Trịnh Bá Vỹ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia như chiếc ô đồng chí Hoàng Văn Thụ dùng cải trang khi hoạt động cách mạng từ năm 1939 - 1940; rulo in, khuôn in tài liệu bí mật phục vụ cách mạng.