Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt có diện tích trên 300 ha. Đây là địa điểm dừng chân, đóng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đoàn quân giải phóng trong đợt hành quân từ huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) sang tỉnh Điện Biên để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi dấu mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc ta.
Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân đã đặt nơi đây là “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định công nhận khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơn La đã thống nhất chủ trương giao huyện Phù Yên xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt.
Hạng mục Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đầu tư xây dựng gồm 2 giai đoạn, với tổng diện tích là 10,7 ha. Giai đoạn 1 của công trình được khởi công từ ngày 15/10/2020 gồm: Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sân hành lễ và tổ chức lễ hội; cầu cảnh quan và hệ thống đường dẫn với tổng diện tích xây dựng là 8.000 m2; tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Hiện đơn vị thi công đang triển khai các hạng mục công trình của giai đoạn 2 gồm: Hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hoa và cây xanh; bãi đỗ xe, khu dịch vụ, trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm và một số hạng mục phụ trợ khác; tổng mức đầu tư là 12,2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và lồng ghép với nguồn ngân sách địa phương. Dự kiến, ngày 15/9/2021 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình.
Ông Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ rất xúc động khi trở lại mảnh đất xã Gia Phù, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) để dự lễ khánh thành công trình vào đúng dịp kỷ niệm 67 năm ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Người dân với tấm lòng yêu mến những thế hệ bộ đội Cụ Hồ đã đặt tên cho khu rừng là rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Võ Hồng Nam thông tin thêm: Tháng 1/1954, cùng các đơn vị pháo binh, pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam, các đoàn dân công hỏa tuyến đã hành quân trên tuyến Sơn La - Lai Châu. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch có nhiều căn cứ hậu cần quan trọng của Quân đội ta. Các khu vực Bến phà Tạ Khoa, Cò Nòi, đèo Pha Đin là một trong những điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch để ngăn chặn bước tiến của đoàn quân tiến đến chiến trường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch và bộ đội đã dừng chân tại chính nơi đây, được Đảng bộ và nhân dân huyện Phù Yên giúp đỡ, bảo vệ.
Đồng bào các dân tộc Sơn La nói chung, Phù Yên nói riêng với tinh thần yêu nước nồng nàn, căm thù giặc, một lòng theo Đảng và Bác Hồ, đã không tiếc xương máu của mình góp hàng triệu ngày công phá núi, mở đường, bắc cầu dưới bom đạn, đảm bảo tuyến đường huyết mạch luôn thông suốt, đưa bộ đội dân công đến mặt trận Điện Biên Phủ.
Những năm đó, đồng bào các dân tộc Sơn La cuộc sống rất nghèo, khó khăn nhưng đã đóng góp 3.340 tấn gạo, giúp cho bộ đội ăn no đánh thắng. Đây là tấm lòng vô giá đối với cách mạng và bổ sung cho chiến trường Điện Biên. 67 năm qua, cánh rừng ở xã Gia Phù vẫn bạt ngàn xanh tươi, môi trường được giữ xanh, sạch, đẹp - đó chính là tình cảm yêu mến thuỷ chung của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Sơn La nói chung và huyện Phù Yên nói riêng.
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh đã biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Yên đã tích cực triển khai xây dựng, hoàn thành hạng mục công trình Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đúng dịp kỷ niệm 67 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021).
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh lưu ý, các sở, ban, ngành tiếp tục phối hợp, hướng dẫn huyện Phù Yên rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư và thanh quyết toán dự án theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp, huy động nguồn lực để hoàn thành các hạng mục công trình đảm bảo đúng tiến độ, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 15/9/2021.
Ban quản lý Khu di tích phát huy tối đa vai trò bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của công trình; huy động các nguồn lực để đầu tư, duy trì hoạt động trong quá trình vận hành. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các đơn vị của tỉnh thực hiện tốt công tác xã hội hóa, vận động các nguồn lực ủng hộ để triển khai hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.
Hạng mục Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành góp phần ghi dấu một di tích lịch sử văn hóa với những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc, truyền lại cho các thế hệ mai sau; đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung, huyện Phù Yên nói riêng đối với công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.