Khát vọng thống nhất non sông
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 21/7/1954, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 là dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách. Dòng sông Bến Hải hiền hòa, thơ mộng trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc.
Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất. Kẻ thù đã thực hiện nhiều cuộc hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng chiến lược chiến tranh ác liệt, nhằm đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”, biến Quảng Trị trở thành vùng “đất lửa”.
Vượt qua mọi khó khăn, tàn khốc của cuộc chiến, quân và dân Quảng Trị đã bất khuất, kiên cường anh dũng bám trụ, chiến đấu và bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất.
Ông Nguyễn Xuân Biền, 80 tuổi, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, sinh sống ngay bờ Nam sông Bến Hải, trong tâm trí còn nhớ rõ những ngày tháng mà quê hương, đất nước bị chia cắt chỉ bởi một dòng sông. Ông Biền kể, người dân ở bờ Nam sông Bến Hải thường xuyên đứng nhìn sang phía bờ Bắc, với nỗi niềm đau đáu ước mong sao quê hương, đất nước sớm thống nhất; gia đình, người thân sớm được tự do qua lại thăm nhau.
Cùng với Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, lịch sử cách mạng Việt Nam còn ghi nhớ những địa danh nổi tiếng ở Quảng Trị, đã gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Sông Thạch Hãn, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đường 9 - Khe Sanh, Làng Vây, Sân bay Tà Cơn. Tất nhiên, cuộc chiến đấu suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cũng không nằm ngoài những trang sử vàng. Trong 81 ngày đêm (28/6/1972 - 16/9/1972) mảnh đất vẻn vẹn 6 km2 đã hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn các loại của Mỹ, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử, mà Mỹ đã từng thả xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945, trong Thế chiến thứ II. Thế nhưng, quân và dân Quảng Trị vẫn hiên ngang đứng vững và đánh bại quân thù, lập nên chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cựu chiến binh Đinh Văn Lành, quê ở Hải Phòng, từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972 cho biết, vào dịp lễ 30/4 hoặc 27/7 hàng năm, ông đều dành thời gian vào Thành cổ Quảng Trị, thắp hương cho đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa. Mỗi lần đến Thành cổ Quảng Trị, đều không kìm được cảm xúc và nước mắt. Nơi đây Đồng đội đã chiến đấu anh dũng và luôn mang trong mình khát vọng Tổ quốc được hòa bình, thống nhất.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng các thế hệ người dân Quảng Trị vẫn luôn mang trong mình sự tự hào, vì đã từng sống trên vùng đất tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với hơn 400 di tích chiến tranh còn lại, 72 nghĩa trang liệt sỹ với gần 60.000 liệt sỹ trong cả nước an nghỉ, trong đó, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, có trên 21.000 liệt sỹ an nghỉ, Quảng Trị thực sự là bảo tàng chứng tích chiến tranh và là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước.
Sức sống mới trên miền “đất lửa”
Quảng Trị một thời hoa lửa, nay đang trên con đường hội nhập và phát triển. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng, năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị, khát vọng vươn lên, Quảng Trị nỗ lực phấn đấu thực hiện chủ đề năm 2020 là "Hành động quyết liệt, về đích toàn diện, tạo đà bứt phá", phấn đấu khi kết thúc giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước, như Nghị quyết của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã đề ra.
Những năm gần đây, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhất là đầu tư vào năng lượng; phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất các dự án nguồn điện đạt khoảng 5.000 MW; đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Ở vùng miền núi phía Tây Quảng Trị có thế mạnh về điện gió, với tổng công suất khoảng 3.200 MW. Nơi này, đang có hàng chục nhà máy điện gió đã và đang xây dựng. Vùng ven biển Quảng Trị có tiềm năng lớn về điện mặt trời với tổng công suất 1.500 MW.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng, vùng ven biển của địa phương, chủ yếu là vùng cát nội đồng, thường xuyên bị khô hạn, sa mạc hóa nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, nhưng lại rất có tiềm năng để xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời, vừa giúp địa phương giải quyết việc làm, vừa hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra, Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị cũng đã thu hút được 1 dự án nhiệt điện với công suất 1.320 MW...
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng biển đảo, Quảng Trị còn thu hút đầu tư vào cảng biển và du lịch nghỉ dưỡng. Tại Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, đang triển khai xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 5 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Trong khi đó, Cảng biển Cửa Việt với 3 bến cảng, có thể đón tàu có tải trọng 3.000 tấn đang được nâng cấp. Ngoài ra, Bến cảng CFG Nam Cửa Việt có quy mô trên 18 ha, nằm đối diện với Cảng biển Cửa Việt, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn, cũng đang được xây dựng với 4 cầu cảng, tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng. Các cảng biển này phục vụ chủ yếu cho các khu công nghiệp, Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch biển đảo; trong đó phấn đấu đưa tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ, thành điểm du lịch quốc gia. Đồng thời, phát huy thương hiệu du lịch đã được xây dựng là “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”, với hệ thống với trên 400 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh xác định ngành Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư; trong đó, ưu tiên du lịch biển trong việc hình thành tam giác du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Tỉnh đã hỗ trợ đóng mới các tàu để chở khách, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn, chính sách ưu đãi của địa phương về đất đai, mặt bằng; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kết nối các chuyến du lịch với các tỉnh và các nước trong khu vực, cũng như quốc tế để đưa du lịch Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích phát triển “6 cây 2 con chủ lực”, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 6 cây chủ lực gồm: Cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và cây dược liệu, gỗ rừng trồng; 2 con chủ lực là tôm và bò. Hiện nay, mỗi năm tỉnh sản xuất trên 33.000 ha lúa chất lượng cao. Đặc biệt, tỉnh đã sản xuất được hơn 100 ha lúa hữu cơ, năng suất đạt 70 tạ/ha, mang lại lợi nhuận từ 20 - 23 triệu đồng/ha, gần gấp đôi so với sản xuất lúa truyền thống.
Tỉnh cũng đang chuyển đổi mô hình trồng hồ tiêu truyền thống, sang trồng hồ tiêu hữu cơ. Tiêu hữu cơ có giá bán 78.000 đồng/kg, cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với giá tiêu thị trường. Quảng Trị có vùng chuyên canh hồ tiêu ổn định với trên 2.500 ha. Để nâng cao giá trị cho gần 5.000 ha cà phê, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ người trồng cà phê liên kết với doanh nghiệp để tái canh cây trồng này.
Tương tự, trên 19.000 ha cao su ở vùng trung du và miền núi, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ người dân tái canh đối với diện tích cao su già cỗi hay bị sâu bệnh. Cây ăn quả và cây dược liệu là những cây trồng mới, có giá trị cao đang được mở rộng diện tích. Đối với rừng trồng, tỉnh đã phát triển được trên 110.000 ha rừng, trong đó rừng được cấp chứng chỉ bền vững hơn 23.000 ha; tạo nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào từ 800.000 - 1 triệu/m3/năm. Tỉnh cũng đã và đang xây dựng các mô hình nuôi bò, nuôi tôm theo công nghệ cao.
Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn, Quảng Trị đang vươn mình phát triển. Năm 2019, thu ngân sách tỉnh đạt trên 3.100 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng; có 1 huyện và 60/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.