Khen thưởng phải thực chất

Tránh khen tràn lan và phải tạo động lực cho mọi đối tượng trong xã hội thi đua, thúc đẩy sản xuất.


Đó là ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều 22/10 thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng.


Mở rộng đối tượng


Đa số các đại biểu đều tán thành với những nội dung trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thi đua, khen thưởng.

 

Đại biểu Quốc hội Khúc Thị Duyền (Thái Bình) phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.
Nguyễn Dân - TTXVN


“Trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng lần này có thêm hình thức khen thưởng cho nông dân, công nhân và người lao động trực tiếp đã tạo ra động lực cho các tầng lớp nhân dân trong việc thi đua, tạo ra dân chủ, công bằng xã hội. Bên cạnh đó, dự thảo luật có quy định cùng một thành tích không thể xét thưởng ở các cấp khác nhau là đảm bảo tính công bằng, tránh được bệnh thành tích, không khen thưởng tràn lan,” đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhận xét.


Tuy nhiên, đa số các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về đối tượng và mức độ được khen thưởng. Tránh tình trạng khen tràn lan nhưng thưởng không tương xứng.


Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) bổ sung, luật nên có thêm hình thức khen thưởng đối với các hộ gia đình. Thực tế, từ nhiều năm nay, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhiều gia đình có công với cách mạng nhưng không được tặng thưởng. Trong thời bình, nhiều gia đình đã góp công, góp của làm đường, làm nhà, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước nhưng chưa có hình thức khen thưởng tương xứng.


Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, cần bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng. Ví dụ, nên hạ thấp tiêu chí thi đua cho đối tượng nữ nhằm động viên, khuyến khích với phụ nữ vì phụ nữ không có nhiều năm công tác bằng nam giới, hoặc phải nghỉ thai sản, chăm sóc con nhỏ.


Tránh “bệnh thành tích” cho lãnh đạo


Đa số các đại biểu đều cho rằng, việc thi đua khen thưởng cần tránh tạo thành cơ chế “xin cho”, “đến hẹn lại lên”. Do vậy, để đảm bảo tính chính xác thì “cấp trên chủ động đánh giá cấp dưới, khắc phục nơi nào đề nghị nhiều thì khen nhiều, nơi nào đề nghị ít thì không được khen”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) phát biểu.


Về việc khen thưởng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, cần giảm bớt tình trạng khen thưởng lãnh đạo, tăng khen thưởng đối với người lao động trực tiếp. Việc khen thưởng với người lãnh đạo phải gắn với thành tích tập thể, tập thể không có thành tích thì không khen thưởng lãnh đạo.


Còn đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị, cần khen thưởng theo công trạng, khen như thế nào, thưởng như thế. Tránh việc khen tràn lan mà không có thưởng tương xứng. Ví dụ như việc một số cán bộ của bệnh viện Hoài Đức có công được khen thưởng như vậy là rất thấp.


Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Luật Thi đua, khen thưởng phải thực chất và gắn với phong trào thi đua, tránh khen tràn lan. Các Ủy ban sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và giải trình tại phiên họp sau trước khi trình Quốc hội thông qua.



Phi Sơn

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN