Khéo léo, linh hoạt trong xử lý các tình huống phòng, chống dịch COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 15/7, Việt Nam ghi nhận 3.416 ca mắc mới. Trong đó, 37 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 3.379 ca ghi nhận trong nước. Các địa phương có số ca mắc cao nhất là TP Hồ Chí Minh (2691 ca), Đồng Nai (132 ca), Bình Dương (122 ca), Đồng Tháp (99 ca)... Trong số này có 3.099 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, sáng 15/7. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cũng tính đến 15/7, nước ta đã có 9.8 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi; 4.146.767 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó, 286.772 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

An dân là việc quan trọng nhất

Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với 27 địa phương phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu, quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung, lấy bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết.

Thủ tướng chỉ đạo, hiện nay TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung dành ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch, tuy nhiên không bỏ qua cơ hội tận dụng được trong phát triển kinh tế - xã hội, khi có đủ điều kiện, an toàn sẽ tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất, xuyên suốt, tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục nắm chắc tình hình, dự báo được tình hình để có các giải pháp, quyết định và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện kịp thời; tổ chức giao ban hàng ngày để nắm bắt tình hình dịch bệnh, rút kinh nghiệm, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Về những nhiệm vụ cụ thể, các địa phương cần thành lập ngay các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề. Các bộ, ngành phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp không để ách tắc giao thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân vùng dịch...

Các địa phương chủ động hơn nữa theo phương châm “4 tại chỗ” để phòng, chống dịch, đồng thời chuẩn bị các phương án, kịch bản cao nhất để ứng phó với tình hình khi dịch diễn biến xấu; phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục triển khai thật tốt Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, để chính sách của Nhà nước sớm đến từng người dân, doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí, tăng cường thông tin phân tích để người dân hiểu và ủng hộ phòng, chống dịch; đấu tranh, phản bác trước các thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược vaccine…

Tại hội nghị sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh, diễn ra tối 15/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên lưu ý lực lượng chức năng cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đến đời sống người dân bởi an dân là rất quan trọng. Theo đó, người dân đang gặp sức ép lớn khi giãn cách xã hội, Thành phố phải kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Những quy định cần rõ ràng để người dân không lúng túng khi thực hiện, tạo ra sự bức xúc.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu, thời gian tới, thành phố cần có phương án chuẩn bị cho tình huống các địa phương lân cận đồng loạt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, việc vận chuyển hàng hóa sẽ khó khăn hơn; đồng thời, cần nghiên cứu triển khai nhanh biện pháp của Bộ Y tế trong phân loại F0, F1 để cách ly, điều trị tại nhà.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: "Theo báo cáo, số ca F0 không có biểu hiện trên 80%, số bệnh nhận nặng trên 1.000 người. Nếu như không kéo giảm được sẽ xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm. Vì vậy, từ nay đến khi chấm dứt thời hạn thực hiện Chỉ thị 16, các cơ quan của thành phố cần tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp".

Phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Janssen

Ngày 15/7, Bộ Y tế đã có quyết định số 3448/QĐĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với vaccine phòng COVID-19 Janssen.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, tên vaccine là: COVID-19 Vaccine Janssen. Tên cơ sở sản xuất - Nước sản xuất: Janssen Pharmaceutica NV - Bỉ và Janssen Biologics B.V - Hà Lan. Cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Johnson & Johnson (Việt Nam).

Như vậy, đến nay, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện 6 loại vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 gồm: vaccine Astra Zeneca; vaccine Sputnik; vaccine Pfizer; vaccine Vero Cell và vaccine Spikevax (Tên khác là: COVID-19 Vaccine Moderna) và Vaccine Janssen.

Bác bỏ thông tin sai sự thật liên quan đến phòng, chống dịch

Hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore, cho rằng COVID- 19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người.

Nội dung tin nhắn nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do COVID- 19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID- 19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Chiều 15/7, Bộ Y tế thông báo bác bỏ thông tin này và khẳng định Bộ không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

Đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất

Sáng 15/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trên diện rộng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hướng dẫn việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi doanh nghiệp và người lao động thực sự an toàn. Điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp là nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 phải ở mức thấp trở xuống theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”.

Văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý các tình huống cụ thể trong việc thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền địa phương để vừa cách ly, vừa sản xuất đảm bảo an toàn; xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm các chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động...

Trợ giá hàng tiêu dùng thiết yếu cho công nhân và người dân

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 tổ chức khởi động Chương trình trợ giá hàng tiêu dùng thiết yếu cho thanh niên công nhân và người dân mang tên “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”.

Chương trình được triển khai từ 15/7/2021 - 30/6/2022. Cụ thể, khi mua gói các sản phẩm hàng thiết yếu thông qua App mua sắm MEGA1 hoặc qua các điểm hàng lưu động của Chương trình, thanh niên công nhân, người dân sẽ được các doanh nghiệp, thương hiệu tham gia chương trình tặng lại đến 50% giá trị gói sản phẩm.

Triển khai tại 63 tỉnh thành, thành phố trên toàn quốc, tuy nhiên, chương trình hiện ưu tiên triển khai tại những tỉnh, thành phố đang có diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Cụ thể, trong các tháng 7, 8, 9, chương trình cung ứng cho TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Phạm vi sẽ mở rộng trong các tháng tiếp theo dựa theo tình hình thực tế.

P. V (TTXVN)
Tối 15/7, Việt Nam có 1.922 ca mắc mới COVID-19, TP Hồ Chí Minh bổ sung 9 ca đã được phát hiện trước đó
Tối 15/7, Việt Nam có 1.922 ca mắc mới COVID-19, TP Hồ Chí Minh bổ sung 9 ca đã được phát hiện trước đó

Từ 6 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày 15/7, Việt Nam có 1.922 ca mắc mới COVID-19, TP Hồ Chí Minh bổ sung 9 ca đã được phát hiện trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN