Khi phụ nữ dấn thân khởi nghiệp

Nhiều mô hình, dự án kinh doanh của phụ nữ đã thành công khi hưởng ứng phong trào khởi nghiệp đang lan toả rộng rãi. Dấn thân khởi nghiệp, chị em phải vượt qua nhiều thử thách và thu được những thành quả “đáng nể”.

Chú thích ảnh
Cơ sở nghiên cứu nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhân tạo của doanh nghiệp chị Đỗ Thị Ngọc Quỳnh. Ảnh: NVCC.

Mạnh dạn với các ý tưởng khởi nghiệp

Sau bao nỗ lực, sản phẩm than sạch không khói bảo vệ môi trường của Hợp tác xã Trái tim hồng (ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vừa được vinh danh là sản phẩm sáng tạo tiêu biểu năm 2020 của Hà Nội. Đáng nể hơn, Hợp tác xã Trái tim hồng còn là “ngôi nhà” của nhiều chị em có hoàn cảnh đặc biệt, mà người “chèo lái” là chị Đinh Thị Quỳnh Nga, một người khuyết tật, bị liệt chân phải từ nhỏ.

Chia sẻ về sản phẩm than sạch không khói, chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Hợp tác xã Trái tim hồng cho biết: “Đây là sản phẩm được sản xuất dựa trên ý tưởng tái tạo các phế phẩm từ nông-lâm nghiệp, thành sản phẩm sạch có nguồn gốc từ chất hữu cơ, thân thiện với môi trường. Điểm khác biệt của loại than này là nhiệt lượng cao hơn, thời gian cháy lâu hơn 1,5 lần so với sản phẩm trên thị trường. Với việc sản xuất than sạch không khói này, Hợp tác xã mong muốn góp phần thực hiện bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho người lao động, trong đó chủ yếu là những chị em khuyết tật”.

Từ cuối năm 2019, chị Đinh Thị Quỳnh Nga đã bắt tay vào thực hiện, vừa tìm hiểu kiến thức trên mạng, vừa đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm sản xuất nguyên liệu dùng cho đốt cháy và mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị. Cùng với hoàn thiện quy trình sản xuất, Hợp tác xã kết hợp đi thu gom phế phẩm nông-lâm nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất than. Đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được  xưởng rộng 400 m2, sản xuất ra khoảng 2 tấn than sạch không khói/ngày.

Mục tiêu của hợp tác xã từ nay đến năm 2023, mỗi năm sẽ thu gom, xử lý trên 10.000 tấn phế phẩm nông-lâm nghiệp, sản phẩm than đạt 1.500 tấn, doanh thu trên 15 tỷ đồng. Để phát triển, Hợp tác xã sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ.

Hợp tác xã Trái tim hồng được thành lập từ năm 2015, đến nay đã phát triển được 6 ngành hàng là may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, in ấn-photocopy, dịch vụ giải khát và sản xuất than sạch không khói, tạo việc làm cho hơn 80 lao động, trong đó có gần 80% là người khuyết tật.

Cũng là một tấm gương khởi nghiệp thành công, công trình nghiên cứu nuôi trồng đông trùng hạ thảo trong điều kiện nhân tạo của chị Đỗ Thị Như Quỳnh và cộng sự đã được vinh danh là sản phẩm sáng tạo của Hà Nội, từ đây các chị đã thành lập doanh nghiệp và phát triển rộng rãi sản phẩm của mình.

Chị Đỗ Thị Như Quỳnh, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Thiên Tâm Thảo cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu sử dụng dược liệu quý đông trùng hạ thảo của người thân và cộng đồng, công ty đã nghĩ đến việc nghiên cứu nuôi trồng đông trùng hạ thảo trong điều kiện nhân tạo và khởi nghiệp bằng ý tưởng đó. Nhóm nghiên cứu bắt tay và thực hiện từ năm 2011-2014 và đến năm 2017 chúng tôi đã hoàn thiện chuỗi quy trình sản xuất. Năm 2018 đã có những sản phẩm đầu tay được đóng gói và thành lập công ty, mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.

Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn tìm đến Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Câu lạc bộ kết nối nông nghiệp... để kết nối và những đơn vị này đã là những người “đỡ đầu”, dẫn dắt để doanh nghiệp được học hỏi và thương mại hoá sản phẩm của mình.

“Khi kết nối được với các đơn vị hỗ trợ, công ty được giúp đỡ nhiệt tình từ đào tạo tuyển dụng nhân sự đến quy trình vận hành sản xuất, marketing bán hàng, kết nối các đối tác… Nhờ đó, đến nay, doanh nghiệp đã có 7 showroom giới thiệu sản phẩm, 30 đại lý và hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước, với doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm”, chị Đỗ Thị Như Quỳnh cho biết.

Thời gian qua, nhiều tấm gương phụ nữ đã thực sự bứt phá với các ý tưởng khởi nghiệp táo bạo. Họ dám làm và đã thành công. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, Hà Nội đã khảo sát và hiện có trên 1.000 phụ nữ có nhu cầu, mong muốn khởi nghiệp, đã được phân nhóm nhu cầu để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp. Trong giai đoạn I của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” (2018-2020), Thành phố đã hỗ trợ cho 1.750 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 60 phụ nữ phát triển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và tư vấn kết nối với Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ 234 phụ nữ thành lập doanh nghiệp mới, đưa tổng số doanh nghiệp nữ tại Hà Nội đạt trên 50% trong tổng số doanh nghiệp của thành phố.

Hội Liên hiệp phụ  nữ Hà Nội cũng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp như: Hoạt động hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực khởi nghiệp, phát triển kinh tế với 25 chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, phối hợp tổ chức các khoá đào tạo nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Hoạt động kết nối hỗ trợ vốn cũng được triển khai nhờ phối hợp với các ngân hàng, tuyên truyền các chương trình cho vay vốn, hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng giúp cho phụ nữ phát triển kinh tế…

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Hoà chung vào làn sóng khởi nghiệp quốc gia, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Qua 3 năm triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, đến nay, cả nước đã có hơn 46.800 ý tưởng, dự án, gửi về các cuộc thi khởi nghiệp và hơn .400 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đây là con số đáng mừng, nhất là khi danh sách có cả các đề án khởi nghiệp đến từ phụ nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Các đề án được trao giải cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp sáng tạo tại cấp vùng và toàn quốc đều là những đề án có sự kết nối giữa nhà khoa học với người nông dân, giữa người sản xuất với người tiêu thụ và giữa các thành viên trong mô hình kinh tế. Các đề án cũng đảm bảo yếu tố sản xuất sạch, xanh, an toàn, ứng dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm OCOP, gắn kết với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cần “bệ đỡ” để thành công

Về nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp khởi nghiệp, chị Đinh Thị Quỳnh Nga cho biết: “Với mô hình khởi nghiệp nhỏ như Hợp tác xã Trái tim hồng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất như: Các thiết bị máy hiện đại, công nghệ cao... Vì vậy, Hợp tác xã  mong có sự hỗ trợ, hợp tác, nhất là tìm được các nhà đầu tư để ý tưởng khởi nghiệp thực sự thành công”.

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đánh giá: “Qua thực thế cho thấy, hiện nay việc triển khai hỗ trợ phụ nữ khởi vẫn còn những khó khăn nhất định. Đơn cử như nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định các nội dung kế hoạch hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đội ngũ cán bộ Hội còn thiếu kỹ năng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ; các ý tưởng hoặc sản phẩm sáng tạo được đề xuất, giới thiệu còn hạn chế, phụ nữ đa số mới là khởi sự kinh doanh quy mô nhỏ, số phát triển với quy mô doanh nghiệp còn ít. Bên cạnh đó, việc kết nối khai thác các nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh còn hạn chế, khó khăn”.

Theo đó, các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cần thực tế hơn nữa với nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể như việc mở rộng liên kết với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, nhằm huy động nguồn lực; tập trung nâng cao chất lượng các hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; đa dạng hóa các hình thức truyền thông đến những nhóm đối tượng phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp. Đặc biệt cần tổng hợp, sàng lọc, phân loại nhu cầu hỗ trợ theo các nhóm phụ nữ; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ; tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập; kết nối hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của phụ nữ.

Đặc biệt, việc tổ chức các chương trình như: Ngày hội Phụ nữ sáng tạo-khởi nghiệp hàng năm là hoạt động cần thiết, tạo sân chơi cho phụ nữ khởi nghiệp học hỏi lẫn nhau; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp của phụ nữ; giúp tăng cơ hội tìm kiếm nguồn đầu tư cho các dự án…

“Để có được thành công khi khởi nghiệp, người phụ nữ phải quyết tâm và kiên trì, phải cố gắng vượt qua mọi thử thách. Hãy cứ mơ ước, hãy dám nghĩ, dám làm vì phụ nữ hiện đại chúng ta đang có nhiều cơ hội để phát triển, đó là công nghệ, là sự hỗ trợ của chính phủ, là sự quan tâm của cộng đồng, doanh nghiệp... Vì vậy chỉ cần quyết tâm theo đuổi đam mê của mình thì không gì là không thể”, chị Đỗ Thị Như Quỳnh chia sẻ.

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Đồng hành cùng phụ nữ khuyết tật, phụ nữ vùng cao trong làm kinh tế
Đồng hành cùng phụ nữ khuyết tật, phụ nữ vùng cao trong làm kinh tế

Trong năm 2020, Hội Liên hiệp Phu nữ Việt Nam và Sunlight đã hợp tác triển khai chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế". Thông qua chương trình, nhằm phát huy những tiềm năng và nội lực của phụ nữ, từ đó truyền cảm hứng và động lực để chị em có thể hoàn thành tốt được từ việc nhà đến việc làm kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN