Cải cách thủ tục hành chính sẽ có những thay đổi gì trong thời gian tới; người dân sẽ phải làm gì khi cần phải tiếp xúc với cơ quan hành chính cũng như những giải pháp thực thi Luật tiếp công dân hiệu quả hơn... đó là những vẫn đề được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh làm rõ trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thực hiện Luật Tiếp công dân, thủ trưởng cơ quan Nhà nước các cấp phải dành thời gian ít nhất là 1 ngày/tháng để tiếp công dân.
“Ngày đầu tiên tiếp công dân, tôi và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận 6 vụ việc, trong đó 1 vụ đã được giải quyết dứt điểm, 3 vụ cho thành lập đoàn thanh tra, còn 2 vụ giao UBND thành phố Hà Nội trực tiếp kiểm tra, rà soát để giải quyết. Hoạt động tiếp công dân để cơ quan Nhà nước trao đổi, giải thích cho người khiếu nại, đặc biệt là giao nhiệm vụ, chỉ đạo tổ chức thực hiện dứt điểm các vụ việc”, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết.
Tổng Thanh tra yêu cầu thủ trưởng cơ quan nhà nước các cấp, chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đúng việc tiếp công dân ít nhất là 1 ngày/tháng để lắng nghe, xem xét quyết định giải quyết, đồng thời chỉ đạo cơ quan Nhà nước các cấp thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Cũng theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện theo đúng quy trình. Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các quyết định đã đưa ra để chấm dứt việc khiếu kiện kéo dài của công dân. Tuy nhiên, còn một số địa phương thực hiện quyết định có hiệu lực không nghiêm, khiến công dân bức xúc. Việc thực hiện kỷ luật hành chính vừa qua cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng cũng còn một số vụ việc chấp hành chưa nghiêm, có những vụ việc được Trung ương chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhưng thực hiện cũng không kịp thời, làm ảnh hưởng đến kết quả khiếu nại, tố cáo.
“Qua theo dõi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện rà soát giải quyết tồn đọng phức tạp kéo dài cho thấy, có nhiều vụ việc kéo dài hàng chục năm. Nếu vụ việc tồn đọng ở cấp nào thì cấp đó có khuyết điểm, tuy nhiên, người dân cũng cần xem xét lại việc khiếu nại có đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm giải quyết của cơ quan Nhà nước không”, Tổng Thanh tra đưa ra lời khuyên.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đề nghị, người dân cũng phải chấp hành việc giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước. Trong thời gian qua, có nhiều vụ việc khiếu nại đúng pháp luật và đã được giải quyết đúng thẩm quyền, nhưng người dân vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục khiếu kiện. Trong trường hợp này cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối việc khiếu nại của công dân.
Theo Tổng Thanh tra, nếu cơ quan tiếp công dân địa phương thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử hoặc gây cản trở cho việc tiếp công dân... sẽ bị xử lý bằng các hình thức: Chấn chỉnh, xử lý hành chính, kỷ luật về mặt tổ chức, nếu nặng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
“Trong Luật Tiếp công dân quy định, các cơ quan Nhà nước khi nhận đơn của công dân, nếu không đúng thẩm quyền giải quyết, thì có quyền hướng dẫn, giải thích và chuyển đơn. Tuy nhiên, cơ quan chuyển đơn phải có trách nhiệm theo dõi và trả lời cho công dân; trong vòng 10 ngày phải trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản cho công dân, đồng thời phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý theo thẩm quyền để giải quyết cho công dân”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết.
Trọng Thủy