Hỗ trợ tối đa cho Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương
Báo cáo về tình hình dịch COVID-19 trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, từ ngày 25/1 đến 6 giờ sáng 3/2, Việt Nam đã ghi nhận 310 trường hợp mắc nhiễm tại 10 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (226 ca), Quảng Ninh ( ca), Hà Nội (21 ca), Gia Lai (13 ca), Bắc Ninh (3 ca), Hòa Bình (2 ca), Bình Dương (4 ca), Hải Phòng (1 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (1 ca), Bắc Giang (1 ca).
Qua kết quả phân tích dịch tễ học, tất cả các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Hòa Bình từ ngày 27/1 đến nay, đều liên quan đến hai nguồn lây nhiễm chính: Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam (Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) với chủng biến thể mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng.
Ngay khi dịch xuất hiện trở lại, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, chuyên gia đầu ngành về dự phòng, điều trị, xét nghiệm, truyền thông để hỗ trợ tối đa cho Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương, nhằm dập dịch trong thời gian sớm nhất. Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống truy vết, xác định nhanh các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh, nhằm khoanh vùng kịp thời; chuyển thông tin các trường hợp nghi ngờ về địa phương để tiếp tục điều tra, xử lý; duy trì trực 24 giờ trong ngày, tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng 1900 9095 (mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 7.000 cuộc gọi).
Hiện tại hai nguồn lây nhiễm đã từng bước được kiểm soát do xác định trúng tâm dịch ngay từ đầu, triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp chống dịch. Dự báo, ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian tới. Bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với các công ty, khu vực trọng điểm và toàn bộ cộng đồng dân cư ở các điểm có nguy cơ cao. Cả nước hiện có 94 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, với công suất hơn 42.000 mẫu/ngày.
Các địa phương nỗ lực kiểm soát dịch bệnh
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã khoanh vùng, kiểm soát tốt dịch COVID-19". Tính đến trưa nay, tổng số ca mắc COVID-19 của Hải Dương đã lên đến 235 người tại 7 trong số 12 huyện, thị xã, thành phố. Trong số 235 ca thì Công ty POYUN Việt Nam chiếm 158 ca, là ổ dịch chính.
"Số lượng xét nghiệm tăng nhưng số ca phát hiện dương tính giảm một cách rõ rệt... Dưới sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Hải Dương đã tăng số lượng ca xét nghiệm lên 8.000 mẫu/ngày, tập trung vào các ca F1, vùng nguy cơ cao, tâm dịch, xét nghiệm "từ bên trong ra bên ngoài", không làm ồ ạt trên diện rộng; từ đó xác định ngay các ca F0 để truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời", ông Lương Văn Cầu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, với việc truy vết 74.984 trường hợp, tỉnh đã xét nghiệm 1.902 ca F1; sau đó mở rộng xét nghiệm các đối tượng F2.
Đáng chú ý, trong quá trình truy vết ngược, điều tra nhân khẩu học những người đi qua thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn (Hải Dương), tối 2/2, thành phố Hạ Long phát hiện thêm 3 ca (trong cùng 1 gia đình có 5 người) mắc COVID-19. “Cố gắng đến 28 Tết, Quảng Ninh khoanh vùng được dịch bệnh; đồng thời, cố gắng không có bệnh nhân chuyển biến nặng, không có bệnh nhân tử vong do COVID-19”, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết.
Đối với bệnh nhân 1.883 (liên quan đến bệnh nhân 1.814 ở ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, lịch trình di chuyển của bệnh nhân khá phức tạp, do đó, quận Hai Bà Trưng đã phong tỏa chung cư ở phố Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy) và khử khuẩn, vệ sinh môi trường xung quanh, bước đầu, phát hiện 21 ca F1.
“Hiện tại Hà Nội đã nâng cao hơn một mức công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; yêu cầu các nhà hàng, karaoke, quán bar, vũ trường, quán game… tạm dừng hoạt động; hạn chế các lễ hội, hoạt động tập trung đông người trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Yêu cầu tất cả các quận, huyện rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; đồng thời, tập trung xét nghiệm các ca F1, F2 trong thời gian sớm nhất”, ông Chử Xuân Dũng cho biết.
Thực hiện khai báo y tế toàn dân
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương sự nỗ lực của đội ngũ tham gia công tác phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua, đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ, công an, quân đội và nhân dân những vùng có dịch. Bằng kinh nghiệm “bắt kịp, truy vết kịp” trong những đợt chống dịch trước đây, toàn lực lượng nỗ lực rút ngắn thời gian truy vết sớm hơn một tuần (từ 11 ngày giảm xuống còn 3 ngày) so với đợt chống dịch ở Đà Nẵng.
“Chúng ta chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút một, nhờ đó mới kiểm soát được dịch bệnh. Mong sao bà con nhân dân trong vùng dịch nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đón Tết Nguyên đán an toàn. Muốn làm được chỉ có cách thần tốc hơn nữa. Không có cách nào khác”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Liên quan đến thực hiện cách ly trên tinh thần đảm bảo an toàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lực lượng quân đội sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác khi phát hiện các ca mắc mới. Qua thực tiễn tổ chức cách ly linh hoạt trong các trường học, địa điểm công cộng của các thôn, xã… tại Hải Dương, Quảng Ninh trong thời gian qua, các lực lượng cần cân nhắc, xem xét cách ly “trên quy mô nhỏ nhất có thể, nhỏ gọn và an toàn”, thậm chí, có thể thông báo trước cho người dân về việc “phong tỏa có thời hạn linh hoạt” để điều tra dịch tễ như đã triển khai ở Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế rà soát lại, để sẵn sàng lực lượng chi viện cho công tác xét nghiệm. Các bộ, ngành liên quan đôn đốc các địa phương, chủ động đánh giá mức độ an toàn, cập nhật thông tin phòng, chống dịch của các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú, trường học, phương tiện đi lại, bến bãi giao thông, chợ, trung tâm thương mại, nhà máy, xí nghiệp… lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay, ổ dịch ở thành phố Chí Linh “đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt”. Cùng với kinh nghiệm sẵn có, Hà Nội đã vào cuộc sớm, tích cực, bài bản; hoàn thành xét nghiệm hơn 17.000 mẫu của các đối tượng đi về từ vùng dịch, cơ bản kiểm soát được nguồn dịch từ Hải Dương.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, Hà Nội có thể mở rộng truy vết với những người trở về từ Quảng Ninh. Đối với Quảng Ninh, các lực lượng đã mạnh mẽ vào cuộc, song, các chuyên gia khuyến cáo, với địa bàn rộng, Quảng Ninh phải nâng cao tinh thần cảnh giác hơn nữa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Cùng với đó, các chuyên gia nhận định, dịch bệnh tại Gia Lai diễn biến tương đối phức tạp. Đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, nhiều người đến làm kinh tế; trong khi đó, hệ thống y tế, công tác truy vết còn nhiều hạn chế. Gia Lai chưa có kinh nghiệm phòng, chống dịch; năng lực xét nghiệm thấp, tốc độ chậm; người dân không tự nguyện phối hợp với cán bộ y tế... Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, trên tinh thần xác định, đây là một trong những địa bàn cần ưu tiên, Bộ Y tế cần tăng cường công tác hỗ trợ phòng, chống dịch; chuẩn bị các phương án truy vết, xét nghiệm, điều trị... tích cực hỗ trợ cho Gia Lai.
Trước diễn biến của dịch COVID-19 do chủng mới của virus SARS-CoV-2, các thành viên Ban Chỉ đạo ủng hộ phương án khai báo y tế toàn dân; Bộ Y tế theo dõi, cập nhật, công bố thông tin lên trang Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19. Các doanh nghiệp viễn thông cần thống nhất, những đối tượng từ vùng dịch trở về, sau khi nhắc nhở lần thứ nhất vẫn không khai báo y tế thì sẽ không được sử dụng dịch vụ viễn thông.
Trước nhận định của các chuyên gia “đeo khẩu trang cơ bản vẫn là biện pháp an toàn nhất để phòng, chống dịch bệnh”, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, các địa phương kiên quyết xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập đông người-Khai báo y tế).