Tháng 3 này, một chương trình cố vấn khởi nghiệp được tổ chức bởi một trong những công ty khởi nghiệp hàng đầu tại thung lũng Silicon, sẽ diễn ra; mang tới cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
“Tinh thần khởi nghiệp sục sôi”
Khởi nghiệp trong những năm gần đây khá phát triển, chứa đầy cơ hội và thử thách đan xen, nhưng được xem là chìa khóa để khẳng định sức bật của tuổi trẻ và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai.
Khởi nghiệp là một trong những vấn đề rất được quan tâm trong những năm trở lại đây. |
Khởi nghiệp, hay còn gọi là startup, có thể hiểu đơn giản là ý định tự mình có một công việc kinh doanh riêng, tự chịu trách nhiệm và quản lý để tạo ra thu nhập. Có thể là việc cung cấp và phát triển một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, mua bán lại một sản phẩm hay cửa hàng đang hoạt động hoặc hoạt động sinh lợi nào đó như cửa hàng bún, phở, xôi sáng, quán cafe, tiệm Internet, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng tiêu dùng, chăn nuôi, sản xuất…
Tinh thần khởi nghiệp bắt nguồn từ những ý tưởng kinh doanh thú vị như thế của các bạn trẻ phần lớn là sinh viên; song ý tưởng đó phải đi kèm với nhu cầu thực tế từ xã hội hay thị trường. Bởi khởi nghiệp không chỉ cần ý tưởng hay, độc đáo, mà quan trọng hơn, ý tưởng đó phải có tính tiện dụng và khả thi trong thực tế.
Có cơ hội nhưng thiếu định hướng
Việt Nam đã có được thành công bước đầu với startup và đang có một thế hệ startup trẻ trung và sôi nổi hơn.
Ngoài lợi thế về sự bùng nổ công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thế hệ startup này còn có lợi thế về thị trường khi Việt Nam mở cửa rộng hơn với thế giới qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ Á đến Âu.
Bên cạnh đó, họ còn có nhiều cơ hội khi Internet, Smartphone bùng nổ, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.
Tất cả mọi người đều tìm thấy cơ hội để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Và trên thực tế, việc có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công như Flappy Bird, Foody.vn, Haravan, Fibo... đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng về phong trào khởi nghiệp trong công nghệ tại châu Á.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của nhiều doanh nhân, việc khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đa số doanh nghiệp khởi nghiệp thường non trẻ, thiếu hụt nguồn tài chính, khó thu hút vốn từ nước ngoài, đội ngũ nhân sự chỉ là những người làm chuyên môn, những kiến thức về thủ tục hành chính, pháp lý… khiến những doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều lúng túng, khó thành công lâu dài.
Hơn thế nữa, vấn đề chung mà nhiều startup Việt gặp phải là khi thành công, họ thường hài lòng quá sớm, bắt đầu tự mãn và không còn duy trì niềm đam mê ban đầu.
Có thể thấy, thị trường Việt Nam tuy có những cơ hội hết sức thuận lợi cho khởi nghiệp, song lại thiếu hụt sự định hướng, chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp startup thành công trong nước và nước ngoài.
Nói cách khác, việc khuyến khích tinh thần startup cần phải có những hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể hơn như đưa ra ý tưởng hoặc dự án hỗ trợ vốn, cố vấn đồng hành để các bạn trẻ thực hiện, thử sức mình.
Tất cả sẽ được giải đáp trong một chương trình cố vấn khởi nghiệp của một startup công nghệ tại thung lũng Silicon đã thu được nhiều thành công trên trường quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt ở Ấn Độ, chương trình sẽ được thực hiện tại Việt Nam, bao gồm các buổi đào tạo với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong câu chuyện khởi nghiệp, cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, mở ra con đường tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng cho các bạn trẻ năng động mong muốn khởi nghiệp kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Đó là cơ hội lớn với những giá trị thiết thực mà giới trẻ sẽ không muốn bỏ lỡ trong tháng 3 này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chỉ ra 10 yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái mà các startup cần nhất để có thể khởi nghiệp thành công. Đó là các vấn đề về vốn, thủ tục, hạn chế giấy phép con, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tư vấn pháp lý, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như quốc tế…
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh sự kết nối giữa hệ thống các bộ, ngành nhằm cung cấp những thông tin về khởi nghiệp cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn là sinh viên trong các trường đại học.
“Các trường Đại học cần kết nối với các viện nghiên cứu, đưa tinh thần khởi nghiệp vào ngay trường đại học. Làm như vậy không chỉ cung cấp nhân lực cho các dự án khởi nghiệp mà những sinh viên đó là những người khởi nghiệp tiềm năng trong tương lai. Tránh tình trạng như trước đây, ở đâu cũng thấy nói đến công nghiệp hóa hiện đại hóa nhưng không ai hiểu gì, và đòi hỏi phải làm gì thì không ai biết. Cũng giống như bây giờ cứ nói về chiến lược quốc gia khởi nghiệp nhưng cụ thể phải làm gì cũng còn rất chung chung. Tôi đề nghị các bộ, ngành, cơ quan cùng hành động để biến những chủ trương của Thủ tướng thành hiện thực, chứ không mãi mãi chỉ là tiềm năng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. |